Thiết kế kiến trúc nhà ở : Các loại nhà ở - Phân loại theo chức năng sử dụng

3.2.    Phân loại theo chức năng sử dụng

3.2.1.    Nhà ở kiểu biệt thự

a.    Khái niệm biệt thự
  • Là ngôi nhà được xây dựng trên một khuôn viên sân vườn riêng biệt, biệt thự có phòng khách lớn, nhiều phòng ngủ, có phòng nghe và chơi nhạc, thư viện, có nhà ăn lớn tụ tập hàng trăm khách. Biệt thự còn là sự kết tinh của khoa học về xây dựng và trang trí nội ngoại thất. Thường mỗi biệt thự có một tên riêng và luôn được nhắc tới trong lịch sử. Biệt thự thường được xây trên những diện tích lớn, ở thung lũng, trên đồi, ven suối hay thị trấn, thành phố....ở Việt Nam các không gian ở, quần thể ở có từ các triều đại thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Từ cuối thế kỷ thứ XIX, chúng ta có thêm các loại hình biệt thự Châu Âu cận đại. Dựa vào số lượng  và chất lượng biệt thự có thể đánh giá đời sống con người trong các mặt tinh thần, vật chất và văn hoá. Nó vẫn luôn tồn tại, là mối quan tâm chung của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy cần có những cuộc đánh giá và đưa ra các chỉ tiêu của biệt thự là cần thiết, để có các quan niệm đúng trong việc đào tạo thiết kế cho sinh viên, nhằm đáp ứng nhu cầu ở ngày càng cao của con người.
  • Nhiều quốc gia hiện nay đã coi nhà ở biệt thự không còn là loại nhà chính của khu trung tâm thành phố nữa, mà chúng chỉ được xây dựng ở ngoại thành hoặc những khu nghỉ mát. Tại một số nước khác, nhà ở biệt thự vẫn được xây dựng trong nội đô một số thành phố và thị trấn ở mức độ vừa phải. trên đất nước chúng ta, nhà ở biệt thự ở một số thành phố lớn còn chiếm một tỷ lệ đáng kể, nên việc để tâm nghiên cứu loại nhà ở đây xây dựng riêng biệt một cách đúng mức vẫn là cần thiết. Hơn nữa loại nhà khối ghép ít tầng là loại nhà vẫn xây dựng hàng loạt phổ biến trong thành phố nhỏ và thị trấn hiện nay trên thế giới nên lại càng cần có chú ý thích đáng.
  • Nhà biệt thự dành cho những gia đình có điều kiện thu nhập kinh tế cao, những người  có điều kiện sống cao như các quan chức cao cấp, các thương nhân giàu hay các trí thức lớn, có tiềm năng trang bị những tiện dụng gia đình không hạn chế. Vì vậy từ nội dung không  gian, diện tích sử dụng cũng như điều kiện, tiêu chuẩn trang trí thẩm mỹ đến chất lượng các hình thức bên ngoài của ngôi nhà đều rất cao. Ngôi nhà có nhiều khả năng đóng góp vẻ đẹp mỹ quan cho đô thị, cho đường phố. Nhà ở biệt thự hơn bất cứ loại hình nhà ở nào khác là nó có thể thể hiện được thị hiếu thẩm mỹ của chủ nhân nhiều nhất.
  • Nhà ở biệt thự thường đặt trong những khu vực yên tĩnh, có nhiều cây xanh ở ven đô. Nhà ở biệt thự thường có tiêu chuẩn sinh hoạt cao, điều kiện tiện nghi đầy đủ. Ngôi nhà chính thường cao từ 1 đến 3 tầng. Lô đất của biệt thự thường từ 300-800m² nhưng chỉ được phép xây dựng với mất độ nhỏ hơn hoặc bằng 35%.
  • Đây là loại nhà ở tiêu chuẩn cao ở các đô thị, mỗi căn nhà cũng có một khuôn viên độc lập, cho mỗi gia đình độc lập. Thường được xây dựng ở những khu vực đẹp của thành phố  và cũng có thể ở ngoại vi các đô thị hoặc xen kẽ lẫn trong các khu nhà lớn ở xa trung tâm ở những nơi có phong cảnh đẹp có điều kiện khí hậu thích hợp cho việc nghỉ ngơi yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên. Nhà ở có sân vườn bao bọc quanh và tiếp cận với thiên nhiên ở nhiều hướng. Số tầng của nó có thể là 1-3 tầng. Trong nhà, có những bộ phận như sảnh hay tiền phòng hoặc hiên, phòng tiếp khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng ăn,  nhà bếp, nhà xe...  ngoài diện tích dành cho các không gian trên, còn có chỗ để ô tô (gara), có chỗ thư giãn hoạt động hay nghỉ ngơi ngoài trời.
  • Theo số tầng nhà ở biệt thự có thể chia ra loại biệt thự một tầng, hai tầng, ba tầng. nhà ở biệt thự còn có thể chia ra loại biệt thự một căn (một hộ gia đình) - đơn lập, biệt thự hai căn (hai hộ gia đình) - song lập, ngoài ra còn có cụm biệt thự từ 4-8 căn nhà, nhưng ở nước ta không phát triển bởi vì một số gia đình sẽ không có hướng gió tốt.

-    Đất đai dành cho mỗi biệt thự có thể tuỳ theo quỹ đất và định hướng quy hoạch của thành phố nhưng diện tích thường Skđ ≥ 300m2 và có mặt tiền không hẹp hơn 12m.
+ Ở những khu đất ven đô Skđ  = 400-600m2
+ Ở những khu nghỉ mát, thành phố nhỏ, khu du lịch S=800÷1000m2.

-    Trên khu đất xây dựng biệt thự thì mật độ xây dựng hạn chế.

+  Ở thành phố:    K0=0,25÷0,35
+  Ở ven đô:    K0=0,20÷0,25
+ Ở khu nghỉ mát, thành  phố nhỏ:    K0  = 0,15÷0,20
Vì không hạn chế về điều kiện kinh tế nên số buồng phòng của biệt thự chủ yếu theo  yêu cầu của từng gia đình và mục đích sử dụng biệt thự. Số buồng phòng gia đình trong biệt thự thường tính bằng số nhân khẩu trong gia đình từ (4÷5 người).

N = n + (4÷5 người)


Trong   đó:    N - số buồng phòng ở
n - số nhân khẩu gia đình

b.    Các thành phần trong biệt thự
-    Phòng khách
Trong biệt thự phòng khách thường có diện tích lớn được dùng cho các công việc ban ngày chủ yếu tập trung vào các sinh hoạt xã hội của gia đình quanh bàn trà, bàn cà phê, uống rượu, hút thuốc và cho các hoạt động giải trí vào buổi tối: nghe nhạc, khiêu vũ... cho nên đòi hỏi phòng phải có không gian rộng lớn để có thể sử dụng linh hoạt. Kề bên phòng khách thường thông với khu vườn lớn, cảnh sắc thay đổi bốn mùa kết hợp với màu sắc nội thất làm tăng giá trị và ý nghĩa của phòng khách. Các phòng liền kề với phòng khách là các phòng đọc, thư viện, phòng làm việc, phòng nghe nhạc,.....
-    Phòng ăn
Diện tích phòng ăn cần tương đối lớn, có thể chứa được từ 2 đến 24 người. Nó thường được thông với phòng khách và khi đó có thể chứa được hàng trăm người. Phòng ăn có thể có chỗ ăn ngoài trời, nơi có mái che hoặc sân ngoài.
-    Bếp
Trong biệt thự phòng bếp là một khu riêng và thông với phòng ăn. Phòng bếp tốt nhất nên đặt về hướng đông hay tây - bắc, nối liền với mặt ngang của cửa trước hoặc dùng lối đi riêng. Phòng bếp thường nối với khu rửa bát, giặt giũ, kho chứa đồ, khu vệ sinh.
-    Phòng ngủ
Phòng ngủ thường rộng từ 25 - 36m2, có thể bố trí giường đơn hay giường đôi. Nó là nơi trưng bày đồ đạc, có tủ ruợu, tủ đựng quần áo, bệt, chậu rửa, kho chứa đồ. Trong một số trường hợp khu tắm và xí đặt riêng. Tổng diện tích khoảng từ 4 - 123m2.
-    Phòng nghe nhạc
Bố trí gần phòng khách, kích thước tuỳ thuộc vào số khán giả, loại cũng như số nhạc cụ. Phòng nghe nhạc thường thiết kế hình vuông với các tấm vách bằng gỗ hoặc các vật liệu cách âm hiệu quả. Trong các căn phòng lớn người ta đặt các mặt phản âm ở xung quanh nhạc công và các mặt phản âm ở phía sau khán giả.
-    Thư viện
Diện tích thư viện gia đình chỉ cần 16 - 24m2. Mặt người đọc quay về hướng bắc. Diện tích chỗ người đọc 3-5m2, vị trí đặt bàn làm việc và bàn tiếp khách. Kệ để sách tính theo diện tích tường 120 - 150 cuốn trên 1m2, độ cao của kệ 1700mm.
-    Khu vực cầu thang
Cầu thang là sự lưu thông theo chiều đứng của ngôi nhà. Cầu thang và vị trí cầu thang có tác động quan trọng trong ngôi nhà. Nó có tác động trực tiếp đến hệ thống không gian sử dụng, là điểm nhấn vừa mang tính mỹ thuật, tính kỹ thuật hợp lý tuỳ theo từng kiểu bố cục mà sắp xếp cầu thang. Chiều rộng của từng vế cầu thang trong biệt thự từ 1,2m - 1,5m. Các vế kết hợp với nhau tạo nên giếng lấy sáng. Diện tích sử dụng của cầu thang khoảng 6 - 12m2, có  thể dùng thang trong, thang vuông, thang một vế, hai vế hay ba vế. Trong một biệt thự có thể dùng từ 1 – 3 cầu thang.
-    Phòng thể thao
Phòng thể dục thể thao cần có diện tích rộng đặt chỗ cao ráo của tầng một hay tầng mái nơi thoáng gió và có tầm nhìn, có mái hoặc không có mái che để sử dụng các phương tiện thể dục vào buổi sáng hay tối. Diện tích trung bình 36m2, bể bơi, buồng tắm, thay quần áo.
-    Phòng học con cái
Nơi học tập có thể đặt ngay trong phòng ngủ, diện tích 4-8m2, bàn học và giá sách bố trí nơi cửa sổ có khu vực chơi riêng. Phòng học tập và chơi thiết kế gần phòng ngủ hay thông với phòng ngủ bằng giá sách, ngăn vách. Mỗi phòng trung bình rộng 18m2, bố trí ở nơi yên tỉnh, quay về hướng bắc.
-    Phòng để mũ áo và áo choàng
Cần có khoảng trống ở trong hoặc ngoài lối đi vào tiền sảnh để treo mũ và áo choàng và để các loại giày dép đi lại ngoài trời.
-    Kho
Hình dạng phòng kho quan trọng không kém kích thước của nó. Nhà kho phải thuận  tiện cho mọi hoạt động có liên quan. Trong một nhà cần có nhiều kho như kho bếp, kho chứa nguyên liệu, kho để rượu, kho chứa đồ thải. Trung bình mỗi kho phải từ 2 - 9m2. Kho có thể đặt ở  các vị trí tầng hầm, các tầng hoặc ở trên tầng thượng.


-    Ga ra ôtô
Khi thiết kế gara ôtô kích thước không đủ, khoảng cách tối thiểu giữa xe và tường là 1,2m, phía trước mũi xe tối thiểu 0,5m. Nhà xe nên để gần lối vào nhà, dễ vào. Độ dốc của gara không quá 20%, đường xe không quá 6% đường xe chạy, tường nên làm bằng các chất liệu không bị phân huỷ do dầu mỡ và dễ rửa, phải có rãnh thoát nước khi rửa xe.
-    Ngoài ra sân riêng, vườn bể cảnh, đài phun nước đóng vai trò quan trọng trong biệt thự
Tạo ra những cảnh quan thiên nhiên như vườn, cây cối; làm thành một vách ngăn tự nhiên đối với tiếng ồn, bụi, nắng và gió; thiết kế những vị trí trồng cây trong nhà làm cho cảm giác rộng ra và không khí tươi mát; nên tạo những bể cảnh hoặc hồ nhỏ, non bộ kết hợp với  bố cục vườn và công trình làm tăng mỹ quan, gây cảm giác hưng phấn, mát mẻ, nhẹ nhàng công trình.

c.    Các loại hình kiến trúc biệt thự
-    Loại hình xếp theo quy mô gồm có Biệt thự lớn,Biệt thự trung bình, Biệt thự nhỏ

Lịch sử đã để lại các biệt thự ở Châu âu, châu Á, châu Phi nay có thể dùng làm câu lạc bộ, toà đại sứ, nhà làm việc. Đó là các biệt thự lớn, các biệt thự thường có gian phòng lớn như sảnh, phòng khách, phòng ăn, thu viện, tiếp đó là các phòng ở và phòng làm việc.

Với phong cách kiến trúc cổ điển + sảnh + cầu thang + G1, G2 (là không gian để tạo dáng nội thất quan trọng). Nó nói lên phong cách thị hiếu của chủ hộ. G1 và G2 là hành lang, tên cổ latinh gọi là galgrie. Ngày nay Gallery có hàm nghĩa là Phòng tranh, gian trưng bày. Trong kiến trúc biệt thự xưa nay đều tận dụng sảnh và G1, G2 để trưng bày. Để hiệu quả  trưng bày được tốt người ta đã dùng thức cột, phân vị tường, trang trí trần, nền nhà tổ hợp thành một bố cục kiến trúc có chủ đề, phong vị được thiết kế tỉ mỉ, chu đáo. Cầu thang góp phần cùng với sảnh và Gallery tăng thêm giá trị cho phong cách kiến trúc nội thất.
Nội thất các phòng khách, phòng ăn, thư viện, phòng ngủ có kiến trúc thống nhất, hài hoà từ tổng thể đến chi tiết. Ngoài ra mỗi gian phòng thường có một màu sắc, một bố cục nội thất riêng, tăng vẻ đa dạng cho nhà ở.

Có biệt thự loại siêu cấp là Hoàng cung, Hoàng cung là nhà ở của Vua chúa, công  tước... tuỳ theo cách gọi trong lịch sử. Đây là biệt thự, là kiến trúc ở cực lớn, mở rộng thành quần thể kiến trúc hoàng cung cùng với biệt thự đã khai thác đến tối đa các thành tựu nghệ thuật của quá khứ và tương lai.

- Loại hình biệt thự theo địa điểm xây dựng
+ Biệt thự ngoại ô có điều kiện vương rộng, lấy vị trí có phong cảnh đẹp. Nghệ thuật vườn của nhân loại được gìn giữ, kế tục chủ yếu qua kiến trúc vườn của biệt thự.
+ Biệt thự nội đô có sân vườn vừa đủ cho yêu cầu yên tĩnh, cách lí, bố cục nội thất đầy đủ số phòng cần cho chủ hộ. Đó là xu thế của kiến trúc biệt thự trên thế giới từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
+ Trước đó các biệt thự nội đô thời phục Hưng của ITalia, Tây Ban Nha, Anh Cát Lợi, tuy không có vườn nhưng có sân trong, có đại sảnh, các phòng khách, thu viện rất lớn với trang trí nội thất nổi tiếng được nhắc đến nhiều trong lịch sử kiến trúc thế giới.
+ Nhìn chung với tầm nhìn lịch sử và quy mô quốc tế, ở nước ta có biệt thự nội đô cỡ nhỏ.

d.    Các yếu tố bố cục vườn biệt thự gồm có
-    Mặt nước
-    Địa hình (cao, thấp)
-    Cây
-    Cỏ, hoa
-    Sân
-    Lối đi
-    Một số tiểu phẩm như điêu khắc, non bộ, đài phun nước
-    Các nhân tố tạo nên các khung cảnh khác nhau xung quanh biệt thự

Với truyền thống nguyên tắc vườn Châu âu người ta cần tạo ra vườn để tôn vị trí của kiến trúc nhà ở; làm vui cảnh vật quanh nhà, nhất là về mùa đông cần có nhà kính trồng hoa ngoài vườn.


Nguyên tắc bố cục vườn Châu á cốt để tôn hiệu quả cảnh quan của nhà ở là tạo ra bức tranh mô phỏng, liên hoàn để hưởng ngoạn bốn mùa ở ngoài nhà. Cảnh vật luôn được bố trí lúc ẩn, lúc hiện, không để tạo nhân một lúc nhìn thấu mọi nơi.

-    Biệt thự cỡ nhỏ có đặc điểm chung
+ Không gian các phòng ở, sảnh nhỏ hơn.
+ Trang trí nội thất không ở mức đòi hỏi có phong cách thị hiếu nghệ thuật cao.
+ Vườn xung quanh biệt thự góp phần tăng hiệu quả cảnh quan, vi khí hậu, ít chú trọng nghệ thuật vườn.

e.    Yêu cầu thiết kế
-    Yêu cầu với nhà ở từ thế kỷ thứ I trước công nguyên, KTS la mã Virtuvi trong “10 cuối sách về kiến trúc” đã đề ra yêu cầu “bền vững, thích dụng và đẹp” với một ngôi nhà. Ngày nay, do điều kiện phát triển của xã hội, của khoa học và của kỹ thuật nói chung và do xây dựng nói riêng, do sự phát triển của quan điểm mới và nhu cầu thực tế mà yêu cầu với  nhà ở nói chung và biệt thự nói riêng được nâng cao. Ngoài những yêu cầu chung với nhà ở như giải quyết được mối quan hệ giữa điều kiện sống với khí hậu bên ngoài, đảm bảo chế độ vệ sinh, chống nóng, thông thoáng, chiếu sáng, cách âm, chống ẩm,... thì nhà ở kiểu biệt thự phải thoả mãn các yêu cầu sau

+ Đáp ứng yêu cầu tiện nghi, phù hợp với điều kiện sống, đảm bảo việc nghỉ ngơi, học tập, tái sản xuất sức lao động,...
+ Bảo đảm điều kiện sinh hoạt tiện nghi ở mức độ cao. Đảm bảo cách ly, yên tĩnh, tiếp xúc tốt với thiên nhiên, không khí trong sạch, có vườn rộng rãi. Đối với nhà biệt thự cho phép một hoặc hai lối vào.
+ Bảo đảm sự độc lập cần thiết giữa các phòng trong không gian cá thể nhưng vẫn có sự liên hệ với không gian sinh hoạt chung công cộng.
+ Do diện tích chiếm đất lớn, nhiều đường ống kỹ thuật và thiết bị cục bộ như máy  bơm, xử lý nước nên cần có một số không gian phụ như kho, tầng hầm, hàng hiên... trong trường hợp có thể.
+ Có sự tổ hợp hợp lý nhằm thoả mãn sự liên hệ giữa các không gian chính như không gian sinh hoạt chung, không gian cá thể, không gian phụ trợ.
+ Không gian sảnh, hiên trong biệt thự đóng vai trò là nút giao thông toàn nhà. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu VN không nên ngăn cách một cách khiên cưỡng loại hình không gian này mà chỉ tạo không gian một cách ướt lệ đảm bảo thông thoáng và tạo cảm giác rộng rãi về cảm thụ không gian.

- Yêu cầu quy hoạch sân vườn của nhà biệt thự
+ Nhà ở chính lùi sâu vào trong để chống ồn, chống bụi và tạo kín đáo.
+ Các nhà phụ được đặt theo hai giải pháp:
  • Đặt ở phía sau có gara, đường vào thông thường ở mặt bên ngôi nhà chính, có thể  ghép sát nhà chính.
  • Đặt ở phía trước để đóng góp vẻ đẹp cho đường phố.

+ Phía không gian trước nhà và hai bên hông nhà chính thường bố trí các không gian trang trí hoặc các bụi cây thấp, bồn hoa màu sắc, những bể cảnh hay những cây cảnh có tán lá thưa nhằm làm không gian thoáng mát. Không che chắn nhiều mặt đứng, hình khối cũng như đường phố.

+ Phía sau nhà thường là các sân nội trợ, chỗ phơi và vườn cây bóng mát, nơi nghỉ ngơi tích cực của gia đình: các bể bơi, đường nhảy, sân khiêu vũ (đường piste), sân quần vợt...

+ Trong các ngôi nhà phụ thường từ 1-2 tầng được bố trí gara tức chỗ đễ xe ôtô (18÷20m2), kho để chứa những dụng cụ làm vườn, những dụng cụ thể thao và căn hộ nghỉ của các người giúp việc. Vị trí thích hợp của nó nên ở phía hướng xấu.

+ Ngôi nhà chính thường 1-4 tầng dành cho chủ nhân. Trong trường hợp đất chật hẹp thì người ta có thể tổ chức khu phụ nằm ở tầng trệt, tạo thành một tầng bệ nhà cao khoảng 2,4-2,7m và chủ nhân sẽ ở từ lầu một trở lên. Khi ấy thông thường từ phía cổng và vườn trước của nhà có một cầu thang ngoài trời dẫn lên sảnh chính của nhà ở lầu một.

+ Cổng và hàng rào của nhà biệt thự là một bộ phận rất quan trọng trong nhà biệt thự để tạo nên vẻ đẹp cũng như tính độc đáo của ngôi nhà. Hàng rào của nhà không được cao quá 2,2m, Phía quay ra đường phố phải bắt buộc thoáng mát và trang trí kiến trúc nhẹ nhàng. Hàng rào này thường có phía dưới đặc (cao 40-60cm), có thể trang trí bằng đá tự nhiên hay ốp các vật liệu quý; phía trên là những song hoa sắt hay những tường hoa bêtông gạch rỗng hay những rặng cây xén.

+ Kiến trúc cổng vào của biệt thự rất đa dạng, thông thường có cổng lớn cho xe con ra vào với bề rộng trên 2,5m và cổng nhổ cho khách bộ hành với về rộng 1,2-1,4m. Cổng có thể là những trụ kết hợp với những đèn bảo vệ hay cũng có thể kết hợp với những bộ phận có mái che hoặc những giàn cây trên trụ.

+ Gara có thể tổ chức theo cách sau
  • Đặt trong nhà phụ ở phía sau tách rời khỏi nhà chính (có hoặc không có hành lang) Đặt trong nhà phụ gắn liền với nhà chính ở phía trước và lệch về bên sườn.
  • Đặt trong khối kiến trúc chính (tầng trệt hay tầng bệ nhà) Đặt ngoài vườn có mái che, hoặc giàn hoa bên trên...
- Yêu cầu tổ chức không gian mặt bằng kiến trúc nhà chính.

+ Biệt thự là loại nhà ở dùng để ở và hưởng thụ những tiện nghi sống gia đình với chất lượng cao. Mặt tiền tối thiểu lô đất là 12m còn bề sâu tối thiểu là 15-20m.

+ Trên đó người ta bố trí
  • Ngôi nhà ở chính phải đặt lùi vào hàng rào ít nhất là 5-6m, bảo đảm để bộ mặt kiến trúc đóng góp được với đường phố và tạo cho sinh hoạt gia đình được kín đáo và tránh được ồn ào, bụi bặm từ đường phố.
  • Ngôi nhà phụ dành cho chỗ để xe con, cho dụng cụ thể thao và làm vườn, và người giúp việc có thể đặt lùi sâu vào bên trong và phải tạo đường vào thuận tiện, con đường này phải rộng tối thiểu 3m. Có thể bố trí nhà phụ phía trước lệch bên để nhà xe giáp với đường phố. Để có thể lấy ánh sáng và thông gió tốt cho các buồng phòng thì mặt bên của nhà phải cách tường rào ít nhất là 2m. Nếu chỉ cách dưới 2m thì nhà chính chỉ có thể mở được cửa sổ phụ (lỗ cửa nhỏ, trên cao).
  • Vườn cảnh phía trước ngôi nhà chỉ được trồng các bồn hoa, cây cảnh.
+ Kiến trúc nhà biệt thự nhằm phục vụ sinh hoạt ở là chính và dành cho các gia đình  có điều kiện sống cao. Vì vậy số buồng phòng cụ thể trong từng gia đình rất khác nhau và không phụ thuộc vào số nhân khẩu mà chủ yếu theo yêu cầu của từng gia đình. Vì vậy ta có thể thấy đầy đủ mọi loại hình phòng ở trong một căn nhà hiện đại. Việc tổ chức không gian, diện tích nội thất của biệt thự tuỳ thuộc trước tiên vào ngôi nhà chính được thiết kế theo một tầng hay nhiều tầng.

+ Giải pháp kiến trúc
- Đối với nhà một tầng, việc phân khu ngày - đêm được thể hiện rất rõ
  • Khu ngày: (có gara, bếp ăn, tiếp khách...)  . Dễ tiếp cận với đường phố. Sử dụng mang tính tập thể, ồn ào...
  • Khu đêm: (Phòng    ngủ,    WC,    kho,    chỗ nghiên cứu, làm việc. Dễ tiếp cận với đường phố. Sử dụng mang tính tập thể, ồn ào...
- Dùng tiền phòng, tiền sảnh làm đầu nút giao thông đặt giữa hai khu vực hay còn gọi là kiểu Phương Tây. Kiểu này có các ưu khuyết điểm như riêng tư, kín đáo; không khí cách biệt, lạnh lung; yên tĩnh, theo lối sống thiên về đề cao tự do cá nhân.

- Dùng phòng khách làm trung tâm và đầu nút giao thông còn được gọi là kiểu Phương Đông, Kiểu này có các ưu khuyết điểm như ấm cúng, gần gũi lối sống truyền thống Á Đông; Hoạt động ảnh hưởng lẫn nhau; - - Thiếu yên tĩnh, kín đáo; Đề cao lối sống chan hoà, thân thương, gia trưởng.

- Đối với nhà nhiều tầng thì thông thường thì tầng trệt và lầu một dành cho khu sinh hoạt ngày và đòi hỏi sự tổ chức không gian gắn bó với sân vườn. Các khu vực sinh hoạt đêm cần yên tĩnh, kín đáo,bố trí ở tầng cao với sự kết hợp ban công, sân trời và lôgia để tạo điều kiện tiếp cận với thiên nhiên.

+ Giải pháp kiến trúc nội thất có hai giải pháp chính
  • Dùng sảnh thang làm đầu mút giao thông là vị trí trung tâm, là nhân bố cục của nhà (h.I.4.3).
  • Dùng phòng khách làm trung tâm (có thể có thêm thang phụ phía sau).

+ Cầu thang liên hệ giao thông đứng giữa các tầng có thể đặt trong những buồng thang, có thể gắn liền không gian sảnh, có thể đặt ngay ở trong phòng khách là nơi sinh hoạt trung tâm cho cả gia đình hay đặt ở góc thích hợp dưới hình thức một bộ phận trang trí
  • Các cầu thang này thường có kích thước như sau Bậc rộng 28-30cm
  • Bậc thang cao 16-17cm (tương ứng với tốc độ 30-350)
  • Độ rộng thân thang 1-1,1m.
  • Số bậc liên tục trong một vế thang không quá 14 bậc.
+ Khi bố trí các phòng chính, phụ cần phải chú ý đến hướng gió và hướng nắng. Ở miền Bắc thì các phòng phụ như gara, cầu thang, bếp, khối vệ sinh, hành lang, lôgia... nên đặt về phía tây hay Tây - Bắc của ngôi nhà nhằm tạo nên một khu vực đệm để tránh ảnh hưởng của nắng tây khó chịu, dành hẳn phía Nam và Đông - Nam để tổ chức khu vực ở (phòng chính). Đặc biệt là các phòng ngủ cần phải có khả năng thông gió xuyên phòng trực tiếp và phải có điều kiện tránh được các luồng gió lạnh của mùa đông.


+ Các thủ pháp tổ hợp kiến trúc mặt đứng.
  • Biệt thự là một khối kiến trúc không lớn, tuy nhiên loại hình đó lại có thể tạo nên vẻ đẹp phong phú của tổng thể một đường phố góp phần vào vẻ đẹp chung của đô thị, vì mỗi biệt thự đều có phong cách riêng của nó, gắn liền với thị hiếu độc đáo của từng chủ nhân.
  • Mặt khác, chủ nhân của các ngôi biệt thự vốn có điều kiện kinh tế dồi dào nên có thể phần nào góp phần xây dựng tạo ra những vẻ đẹp sang trọng cầu kỳ đầy hấp dẫn.
  • Có thể nói trước tiên kiến trúc biệt thự đẹp cần phải hoà nhập nhiều nhất vào thế giới thiên nhiên. Do đó khi thiết kế biệt thự thì người kiến trúc sư phải cố gắng tạo nên vẻ đẹp kiến trúc không chỉ ở trong nội thất mà cần chú ý cả những hình khối bên ngoài, các không gian kế cận với nó cũng như mặt đứng của công trình. Lôgic công năng và lôgic kết cấu có tác động quan trọng đối với hình tượng kiến trúc của biệt thự cũng như với bất kỳ công trình nào.
  • Hình tượng kiến trúc chịu sự chi phối của hai yếu tố trên nhưng đồng thời cũng có những quy luật riêng của nó để tạo nên sức truyền cảm nghệ thuật. Chính vì vậy, một số kiến trúc sư có thể có nhiều công trình biệt thự khá hợp lý nhưng có thể không hề có tác phẩm  nghệ thuật kiến trúc đích thực.
+ Một số giải pháp thông dụng khi tổ hợp kiến trúc hình khối và mặt đứng biệt thự Tạo nên sự gắng bó hài hoà giữa khối kiến trúc và thiên nhiên (cây xanh bồn hoa...)

  • Chú ý đến sự phong phú mái dốc mái bằng trên hình khối xinh xắn.
  • Tạo nên sự phong phú về chất liệu trên mặt đứng (ốp đá tự nhiên, nhân tạo, gỗ, kính, kêramich, nhôm, gạch trần...), màu sắc phong phú kết hợp với thiên nhiên tạo nên sự hài hoà giữa mặt đứng và phong cảnh thiên nhiên, bối cảnh kiến trúc.
  • Sử dụng các hình thức cửa, ban công, lôgia, lan can... và cả ôvăng được nghiên cứu kỹ lưỡng với hình thức lạ để kết hợp cùng với kiểu mái tạo ra vừa một thể thống nhất hài hoà với khung cảnh xung quanh, vừa có nét riêng.
  • Các hình thức cửa sổ góc, cửa sổ sinh đôi, bồn hoa bậu cửa, cầu thang ngoài trời là các thủ pháp hay được khai thác
  • Chú ý tạo ra sự độc đáo của mái hiên, của lối đi vào sảnh, tại đó cần kết hợp với bồn cây xanh, giàn hoa pergola, các bức tượng nhỏ, bể cảnh cùng với đài phun nước; dưới lối đi cần phải sạch sẽ hai bên lối đi có thể trồng những hàng cỏ xén, bồn hoa để khi thâm nhập gợi cho con người như lạc vào một thế giới bất ngờ và đầy ấn tượng.
  • Hình thức cổng, hàng rào cũng được dùng để tách biệt ngôi nhà này với các nhà khác. cổng và hàng rào không chỉ bảo vệ ngôi nhà mà còn tránh cho ngôi nhà không bị những ánh mắt tò mò của người qua đường. Hàng rào phải bảo đảm sự thông thoáng với bên ngoài, an toàn cho bên trong. Chiều cao của hàng rào phải từ 2m trở xuống và hình thức hàng rào tuỳ theo mặt đứng của ngôi nhà mà thiết kế cho phù hợp, độc đáo.
-    Một vài giải hay điển pháp trúc hình kiến
+ Trong nước
  • Năm 1994, tại Hà Nội đã có cuộc khảo sát giá trị kiến trúc văn hoá của 1049 ngôi nhà biệt thự kiểu kiến trúc cận đại với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu kiến trúc Nhật Bản mà theo đánh giá sơ bộ ban đầu, Hà Nội có một gia tài quý giá về kiến trúc biệt thự.
  • Những kiến trúc sư người Việt Nam được đào tạo tại Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đã có đóng góp không nhỏ vào kiến trúc biệt thự ở Hà Nội giai đoạn này (thời thuộc Pháp).
  • Các toà nhà 65 Lý Thường Kiệt và toà nhà 77 Nguyễn Thái Học là những biệt thự theo trào lưu hiện đại do kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện thiết kế. Đi theo trào lưu kiến trúc Đông Dương có kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật với biệt thự số 27 Nguyễn Đình Chiểu; biệt thự 84 Nguyễn Du của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh hay biệt thự số 1 Bích Câu của kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức. Đi vào hướng tìm tòi tính dân tộc và tính hiện đại có toà biệt thự số 215 Đội Cấn, số 7 Thiền Quang do kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện thiết kế.
  • Ở biệt thự số 65 Lý Thường Kiệt kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã thể hiện sự hiểu biết chắc chắn về nền văn hoá Pháp. Ngôi nhà có mái bằng rất hiện đại cũng rất giản dị, có phong cách bố trí sảnh vào độc đáo với cửa sổ, cửa đi có tỷ lệ rất dễ cảm thụ, và toà nhà vẫn được Việt Nam hoá bởi những tấm chắn nắng, sênô với mái có hai lớp coi như là yếu tố cách tân thời kỳ đó. Biện pháp chống nóng bằng dạng cửa mở này rất phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam nên cho đến nay, đã gần 60 năm công trình vẫn tồn tại với sự dẻo dai bền vững về vẻ đẹp cũng như thực thể công trình.
+ Trên thế giới
  • Biệt thự trên thác Frank Loyd Wright là một biệt thự đặc sắc, mang tính nghệ thuật cao nổi tiếng thế giới. Sở dĩ biệt thự có được vẻ đẹp bất hủ là do tác giả đã kết hợp được một cách hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên mà đó chính là đặc điểm rất quan trọng của trường phái kiến hữu cơ (hình 33).
  • Biệt thự gồm những tường đá và những khối terrasse bê tông được đặt trong một khung cảnh vừa hoành tráng vừa hết sức nên thơ: cây cỏ, dòng thác, một không gian hùng vĩ khiến chúng ta có cảm giác đó như là một công trình do thiên nhiên tạo ra. Biệt thự gồm những khối hình hộp đan xen hài hoà với các sân trời vươn xa và xoè rộng tạo sự chan hoà có nhịp điệu giữa đá tự nhiên và nhân tạo lan toả, mở rộng như những làn thác nước để ôm lấy không gian của công trình. Hình khối tuy giản dị nhưng đầy chất thơ và có sức gợi cảm lớn khiến toà biệt thự có một tỷ lệ hết sức hài hoà với con người và khung cảnh. Các khối hình hộp đan xen nhau nom thật ngoạn mục tạo nên sự sinh động tuyệt vời hấp dẫn cho công trình.

3.2.2    Nhà ở liên kế (nhà khối ghép)

a.    Đặc điểm

Nhà ở liên kế là loại nhà có lịch sử tồn tại và phát triển rất lâu đời, tuy vậy ngày nay nó vẫn còn rất phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ở ngoại vi những thành phố lớn, thành phố nhỏ  và vừa ở các nước thì nhà khối ghép được coi là kiểu thích hợp hơn cả vì nó kinh tế hơn các loại nhà xây dựng riêng biệt như nhà ở kiểu vườn nông thôn, nhà biệt thự. Đây là loại nhà mà các căn được đặt cạnh nhau, xếp thành từng dãy và có thể xây dựng hàng loạt và khai thác không gian từ mặt đất trở lên, nhưng những lô đất hẹp được ghép sát nhau khiến ngôi nhà chính cũng là từng khối ghép liền nhau chỉ còn khả năng tạo sân vườn ở trước mặt và sau  lưng.

Đặc điểm của ngôi nhà là các lô đất thường có mặt tiền hẹp để tiết kiệm các đường ống kỹ thuật và tạo khả năng để gia đình có thể tiếp cận với đường phố buôn bán và các tiện nghi đô thị. Mỗi gia đình được khai thác sử dụng toàn bộ các không gian trong phạm vi mảnh đất của mình và nhà ở chính chỉ được tiếp xúc với thiên nhiên ở một hay hai hướng là chủ yếu vì các ngôi nhà (các khối căn hộ) ghép liền sát nhau vai kề vai, lưng kề lưng. Hình dáng khối căn của các ngôi nhà liên kế này rất đa dạng, có thể là hình chữ nhật, hình chữ L... làm cho các dãy nhà ở trở nên sinh động và đa dạng hơn.

Mỗi gia đình được sử dụng một khối và cứ 8-10 khối tạo thành một dãy nhà có chung  về mái và một số tường. Số tầng của một khối thường chỉ tối đa 3-4 tầng. Loại nhà này thích hợp cho từng gia đình thị dân trung lưu hoặc khá giả ở thị trấn và thành phố nhỏ. Nhà có thể dùng để ở hoạc có thể vừa kết hợp ở vừa làm nghề phụ, buôn bán.

Đây là những loại nhà ở biệt thự có sân vườn thuộc tiêu chuẩn tiện nghi khá và trung bình, phục vụ cho các gia đình trung lưu và khá giả, có thể vừa ở vừa tiến hành làm nghề và sản xuất hay chỉ đơn thuần để ở.
Loại nhà này còn được gọi là nhà ở khối ghép, nhà hàng phố, nhà kiểu dãy, kiểu băng. Đây cũng là loại nhà ở gần như biệt thự đơn lập, song lập nhưng với tiêu chuẩn ở thấp hơn biệt thự thường chỉ gặp xây dựng tại ngoại vi thành phố lớn, đặc biệt ở các thành phố nhỏ và vừa rất được phát triển. Xây dựng nhà khối ghép ở đô thị được xem là thích hợp hơn, kinh tế hơn so với loại nhà ở xây dựng riêng biệt vì cũng có đủ sân vườn, cổng ngõ riêng nhưng rẻ hơn nhiều.

Đây là loại nhà gồm các căn (appartemen) đặt cạnh nhau xếp thành từng dãy, cho phép có thể xây dựng hàng loạt, tiết kiệm đất xây dựng. Loại nhà khối ghép này, mỗi căn nhà thường chỉ có hai hướng, có thể có lối vào phía trước và phía sau, có hai mặt tương tiếp xúc hoặc chung với hai căn bên cạnh. Mỗi gia đình thường sống trên những mảnh đất có mặt  tiền không rộng như ở nhà ở biệt thự, có diện tích khoảng 80-120m2.

Số lượng căn hộ trong một dãy nhà khối ghép thường dao động trong khoảng 4-16 căn hộ. căn hộ này thường là từng  khối xếp liền nhau, thiết kế vai kề vai ghép lại thành từng giải băng, dãy phố dài, có vườn trước và sau, tiếp cận thiên nhiên từ hai phía trước, sau. Tuỳ theo điều kiện cảnh quan, quy hoạch và địa hình... mà một dãy nhà khối ghép có số căn hộ nhiều hay ít. Hình dáng từng khối ghép rất đa dạng, ó thể hình chữ nhật, hình chữ L... khiến cho dãy nhà có hình thức sinh động. nhà khối ghép tuỳ theo điều kiện hướng gió, địa hình, khí hậu, kết cấu... mà có những cách tổ hợp khối khác nhau: cách xếp thẳng, cách xếp chéo, cách xếp so le. Nếu số lượng căn trong dãy nhà nhiều quá thì điều kiện tiện nghi và điều kiện vệ sinh sẽ kém đi và việc xây dựng trở nên bất hợp lý.


Nhà có thể một tầng hay hai ba tầng phục vụ một gia đình, hoặc có thể hai tầng cho hai gia đình, cũng có một số ít trường hợp cao đến bốn tầng. Cách tổ hợp nhà tương đố linh hoạt, nhà có thể có ít phòng hoặc nhiều phòng. đối với căn một phòng, hai phòng và ba phòng thường thiết kế một tầng; đố với căn bốn phòng hoặc năm phòng thiết kế, hai, ba tầng. Loại nhà hai đến bốn phòng hay gặp nhất.

Loại nhà này dùng để phục vụ cho những gia đình trung lưu, có thể vừa kết hợp làm nghề sản xuất thủ công, kinh doanh buôn bán. Mỗi gia đình sử dụng điện tích không gian suốt từ mặt đất trở lên. Dưới cùng à tầng trệt, trên cùng là tầng thượng. Mỗi gia đình có sân vườn cổng ngõ riêng biệt.

Kiểu nhà này cũng có thể cần có sân thượng trong. So với biệt thự thì kiểu nhà này tiết kiệm đất xây dựng và để cho các ngôi nhà riêng từng gia đình có khả năng tiếp cận với đường phố, đồng thời tiết kiệm hệ thống đường kỹ thuật hạ tầng, các mặt tiền của từng lô đất có xu hướng giảm càng ngày càng nhỏ bé khi được xây dựng tiến dần vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên bề rộng mặt tiền không được nhỏ hơn 3,3m. Mật độ xây dựng trong loại này cho phép khoảng từ 60-70% (kiểu nhà hàng phố).

b.    Phân loại

Đây là loại nhà ở thường gặp ở các đô thị và thị trấn, thường nằm trong những khuôn viên độc lập khép kín với các tiện nghi đô thị nhưng có hạn chế hơn về mặt diện tích khu đất, số tầng nhà ở có thể 1-4 tầng. Chúng ta có thể tham khảo các tiêu chuẩn diện tích lô đất ở như sau
-    Đối với biệt thự liên kế
  • Đây là loại nhà ở dành riêng cho từng gia đình nhưng khác với biệt thự đơn lập là lô đất dành cho mỗi gia đình có hạn chế; thường người ta cố gắng để giảm bớt các bề rộng mặt tiền làm tăng mật độ xây dựng đô thị, tiết kiệm các đường ống kỹ thuật hạ tầng cơ sở. Ngôi nhà không thể đứng biệt lập giữa cây xanh và sân vườn mà chỉ có thể ghép với nhau vai kề vai  hay lưng giáp lưng để tạo thành những biệt thự song lập, tứ lập.
  • Khu đất quy định cho một gia đình theo kiểu song lập (hai gia đình ghép), diện tích  bằng 100-120m2 (nội thành) và 150-180m2 (ven đô). Theo kiểu tứ lập (bốn gia đình ghép), diện tích bằng 80-100m2 (nội thành) và 120-150m2 (ven đô)
-    Đối với nhà liên kế (hay nhà khối ghép)
  • Khu đất quy định cho một gia đình khoảng từ 40-60m2 (khu phố trung tâm); 60-80m2 (trong thành phố).; 80-100m2  (ven đô).
-    Nhà khối ghép có các ưu - nhược điểm sau
+ Chất lượng sử dụng tốt (có thể tổ chức hoạt động ngoài trời, nghỉ ngơi, phơi phóng), bố trí khai thác cây xanh tốt, dễ tổ chức thông gió, phù hợp cho lối sinh hoạt lành mạnh và  hợp vệ sinh; yên tĩnh vì được cách ly và cách âm chống ồn tốt.
+ Kết cấu đơn giản, dễ xây dựng công nghiệp hoá và thi công nhanh.
+ Hình thức kiến trúc dễ xử lý với chất lượng mỹ quan cao.
+ Nhà tương đối kinh tế vì nâng cao được mật độ cư trú (so với nhà - vườn).
+ Tuy nhiên, nếu số lượng dãy nhà nhiều quá thì điều kiện tiện nghi và điều kiện vệ sinh sẽ kém đi và việc xây dựng trở nên bất hợp lý.
+ Những căn nhà liên kế này có thể chia ra thành nhà một tầng, hai tầng hay nhà hai tầng gồm hai gia đình hoặc nhà ba tầng.


- Nhà liên kế một tầng có những ưu - khuyết điểm sau
+ Dễ đi lại vì có hai lối ra vào trước và sau, nhưng lại không có tầng gác trên và cầu thang nên thích hợp với gia đình có người già và trẻ em.
+ Kết cấu của ngôi nhà đơn giản, có thể dùng vật liệu địa phương, thi công nhanh gọn, không cần cơ giới hoá, có thể xây dựng theo phương pháp thủ công truyền thống.
+ Tận dụng không gian mặt bằng lớn vì không cần các cầu thang và lối đi chung với các gia đình khác.
+ Tuy nhiên, kinh phí phúc lợi công cộng lớn, tốn đất, tốn đường đi và ngôi nhà chỉ nên có 1-2 phòng để có thể bảo đảm chiếu sáng tự nhiên tốt.
+ Nhà liên kế một tầng ở Việt Nam thời sau hoà bình được nghiên cứu thiết kế và xây dựng trong khoảng trước vàu sau năm 1960, thông thường là loại nhà một phòng, có sân  trong, bếp và khu vệ sinh đặt ở phía sau. Trong ngôi nhà này thì tất cả mọi sinh hoạt đều tập trung vào một, hai phòng lớn gắn với bếp còn khối vệ sinh lại đặt cách xa chỗ ở và đó chính là nhược điểm chính của kiểu nhà này.

- Nhà liên kế hai tầng.
Đối với loại nhà này thì một hộ chiếm cả hai tầng, những hộ lớn có 3-5 phòng; tầng dưới đặt các phòng khách, bếp, khu vệ sinh; còn tầng trên đặt các phòng ngủ. Nhà khối ghép hai tầng bốn phòng thường gặp nhất nhưng trong thực tế, nhà khối ghép ở nước ta chủ yếu  vẫn là nhà hai phòng. Loại nhà này có ưu khuyết điểm sau
+ Hiệu quả kinh tế cao (khi diện tích ở từng căn hộ từ 40-50m2  trở lên).
+ Có thể tránh được chiều sâu căn hộ làm cho nhà phải phát triển kiểu ống quá dài, thiếu thông thoáng, bất tiện.
+ Bảo đảm khoảng cách ngắn từ phòng ở đến các phòng phụ.
+ Cầu thang có độ dốc lớn đặt ngay trong phòng nên không thích hợp với những gia đình có người già hoặc nhiều trẻ em.
+ Loại nhà khối ghép hai tầng cho hai gia đình
+ Loại nhà này mỗi tầng phục vụ chỉ một gia đình ở, có lối vào chung hoặc riêng; cầu thang riêng được dùng trong trường hợp nhà ít phòng. Ưu khuyết điểm của loại nhà này.
+ Loại nhà này kinh tế hơn là một tầng, thích hợp với diện tích ở tương đối nhỏ.
+ Tuy nhiên, vì các căn ở tầng trên thường có khu đất dành riêng ở phía trước nhà, khu đất của tầng dưới sẽ ở phía ngược lại, cho nên các cửa sổ các phòng của căn ở tầng dưới phải hướng ra khu đất của căn ở tầng trên và ngược lại. Do đó phải bố trí làm sao để có thể tạo ra các cửa sổ ở phía trên cao để tránh tầm nhìn ra vườn, tạo sinh hoạt kín đáo cho từng gia đình.
- Các phương pháp tổ hợp mặt bằng chính
+ Một lối chung cho căn tầng dưới và tầng trên.
+ Lối vào riêng cho căn tầng dưới và tầng trên nhưng ở cùng một phía.
+ Lối vào riêng cho mỗi căn và ở hai hướng khác nhau.
+ Lối vào từ cầu thang đặt ở ngoài trời; cũng có trường hợp do nhà xếp lệch nhau nên  có giải pháp đặt lối vào từ mặt bên.

- Loại nhà liên kế ba tầng
Đây là loại nhà gồm ba tầng với nhiều buồng phòng. Tuy nhiên, loại nhà này ít được  xây dựng.
Về đặc điểm tổ chức mặt bằng không gian người ta có thể gặp các hình thức tổ chức  như sau
+ Biệt thự liên kế bao gồm chủ yếu chỉ có hai loại
Song lập (còn gọi là sinh đôi) đối xứng và không đối xứng. Tứ lập đối xứng và tự do.
+ Nhà liên kế bao gồm
Nhà hàng phố (chỉ có sân sau, sân trong)
Nhà liên kế có sân vườn (có vườn trước sâu sau).

- Nhà ở hàng phố (dãy phố)
  • Đây là loại nhà đồng thời có thể sử dụng để ở và để kinh doanh vì nhà ở gắn liền với hè phố tạo nên những mặt phố. Ở loại nhà này thì mỗi gia đình có khả năng tiếp cận với đường phố trực tiếp khoảng 3,3 - 6 m. Các tầng trệt giáp với mặt phố thường để làm nghề phụ, kinh doanh, buôn bán. Nhà ghép sát liền nhau, cứ khoảng 60m thì lại có một lối vào để thông với ngõ sau.
  • Nhà hàng phố thường thấy ở các đường phố buôn bán nhỏ trong thành phố, thị trấn, vì vậy người ta gọi đó là nhà ở kiểu thị dân. Mỗi gia đình được sử dụng độc lập từ tầng trệt trở lên. Khi thiết kế ngôi nhà cho từng gia đình đòi hỏi phải phối hợp, giải quyết, xử lý đồng bộ về hình khối của toàn bộ ngôi nhà hay cả đường phố. Loại nhà này có thể sử dụng đủ các loại vật liệu xây dựng với kỹ thuật tiên tiến hay thủ công cổ truyền và người ta cũng có thể tạo nên tính độc đáo của từng ngôi nhà, từng gia đình thông qua việc giải quyết xử lý mặt đứng và cửa hàng của từng gia đình (từng khối ghép).
  • Nhìn chung các ngôi nhà này chỉ có thể lấy ánh sáng tự nhiên từ một hướng đó là từ đường phố để cải tạo điều kiện khí hậu cho các phòng ở và phòng sinh hoạt trong từng gia đình thì mỗi nhà thường có từ một đến hai sân trong để có thể lấy ánh sáng bổ sung từ những sân trong kiểu giếng ánh sáng - sân trong nhỏ này.
  • Ngoài ra, do ảnh hưởng đối lưu của không khí và sân của căn nhà hàng phố (sâu như cái ống) cũng có tác dụng cải thiện vi khí hậu.
  • Đối với các nhà ở kiểu hàng phố một tầng thì phía ngoài giáp phố dành cho sản xuất, phía giữa cho sinh hoạt ăn ở và lớp không gian cuối cùng là các khu phụ, bếp, xí tắm. Giữa khu kinh doanh và khu ở có một sân trong để tạo sự thông thoáng và nơi tiếp cận với thiên nhiên, tại đây thường có chậu cảnh, bể cá... Nếu có điều kiện thì ở giữa khu ở và khu phụ sẽ có một sân trước, tại đây sẽ chủ yếu bố trí bể nước, chỗ rửa, giặt của gia đình.
  • Đối với các nhà hàng phố nhiều tầng thì số tầng cao của nhà tuỳ thuộc vào độ rộng của lòng đường (góc khống chế 45÷600).
Bình quân chiều cao của phòng Hphòng = 3-3,6m
cửa hàng ≥ 4,5m
Cầu thang ở trong phòng Rộng 70-80cm.
Dốc 40-600
Bậc cầu thang Cao: 17-25cm Rộng: 20-27cm
Thường liên tục dưới 18 bậc không cần chiếu nghỉ .
  • Vị trí cầu thang thông thường tập trung ở giữa ngôi nhà hay cuối nhà, quanh sân để kết hợp lấy ánh sáng ở cuối lô đất. Các cầu thang được dẫn thẳng lên sân thượng và có thể lấy ánh sáng từ mái cho cầu thang và cho các phòng ở xung quanh cầu thang.
  • Lầu một thường dành cho các phòng khách, phòng sum họp gia đình, các tàng cao dành cho phu sinh hoạt riêng tư cần yên tĩnh. Sân thượng được dùng làm nơi phơi và chỗ tiếp cận thiên nhiên của gia đình. Nếu nhà là mái bằng thì còn tổ chức thêm những giàn cây, những mái nhẹ nửa hở, tạo bóng mát và cách nhiệt cho mái.
  • Trên kiến trúc mặt đứng của nhà hàng phố người ta cho phép xây dựng những ban công để kết hợp che mưa, che nắng cho cửa hàng và tủ kính phía dưới, song độ sâu của ban công không được đưa ra quá 90cm đối với các lòng đường rộng dưới 8m, còn đối với lòng đường trên 16m thì ta có thể đưa ra ban công tối đa là 1,2m.
- Nhà liên kế có sân vườn
+ Yêu cầu quy hoạch và kiến trúc nội thất
  • Đây là loại nhà biệt thự có sân vườn có tiêu chuẩn mức sống trên trung bình. Mỗi gia đình được sử dụng độc lập một lô đất từ 80 đến 100m2 và tối đa có thể tới 150m2. Mặt tiền lô đất thường từ 5,4 đến 7m.
  • Các căn hộ ở trong dãy nhà có thể sử dụng chung phần mái tường, hàng rào, nhưng vẫn được khai thác độc lập sân vườn, cổng ngõ, hàng rào, sân thượng thuộc phần của mình.
  • Phần ở chính được thiết kế 1-4 tầng với kiểu sắp xếp vai kề vai và ngôi nhà có khả năng tiếp xúc với thiên nhiên ở hai hướng quay ra đường trước và sau.
  • Mật độ xây dựng trên lô đất phải bảo đảm 50-60%. Mặt tiền của ngôi nhà bắt buộc phải lùi lại so với hàng rào một khoảng ít nhất là 2,5m.
  • Cách ghép các nhà và lô đất có rất nhiều kiểu tuỳ theo đặc điểm về địa hình và các khống chế về điều kiện quy hoạch.
  • Tổ hợp không gian nội thất có hai giải pháp chính (cho nhà một tầng). Dùng cho cửa vào (tiền phòng) làm đầu nút giao thông.
  • Dùng phòng khách làm đầu mút giao thông
  • Việc phân khu ngày - đêm có thể theo kiểu hai bên phải - trái hoặc trước sau. Mối quan hệ chính phụ có thể gặp các giải pháp sau.
  • Khu phụ ở phía trước Khu phụ ở phía sau . Khu phụ ở bên sườn. Khu phụ ở giữa
  • Mỗi giải pháp đều có mặt ưu - khuyết riêng, tuỳ trường hợp khống chế địa lý và sở thích lối sống mà quyết định sự lựa chọn thích hợp. Nhìn chung nên lợi dụng khu phụ làm phòng đệm để chống nóng, chống lạnh, tạo kín đáo và yên tĩnh cho khu ở của gia đình. Cũng cần chú ý mối quan hệ hợp lý giữa bếp và sân sau, bếp và sinh hoạt chung, phòng ngủ và khối vệ sinh mà bố trí các phòng thích hợp.
  • Tuy nhiên đối với những vùng có điều kiện khí hậu phức tạp với hướng gió trái ngược nhau và hai mùa nóng lạnh (miền Bắc VN) thì khu đệm có thể mang những lợi ích vào mùa này nhưng có thể gây những bất lợi vào mùa kia khi có hướng gió ngược lại.
  • Trong những căn nhà nhiều tầng, người ta có thể phân khu chức năng kiểu tầng trệt và tầng một dành cho các phòng khu sinh hoạt ngày vừa tiện dụng vừa tiết kiệm đường ống kỹ thuật; lầu trên dành cho các phòng của khu sinh hoạt đêm.
  • Để bảo đảm tính kín đáo và yên tĩnh cho nghỉ ngơi và làm việc, người ta có thể gặp hai giải pháp
  • Dùng khu phụ đệm giữa khối phòng ở và đường phố
  • Ưu điểm là tiết kiệm đường ống kỹ thuật; tạo kín đáo, cách ly tiếng ồn tốt.

+ Về cầu thang
  • Phải bảo đảm thân thang rộng 800-1000mm. Nếu lồng buồng cầu thang rộng khoảng  2m ta có thể làm thang hai vế. Người ta cho phép độ dốc của cầu thang thường từ 35 đến 400 với bậc cao 16-16,5cm, rộng 27-28cm. Các cầu thang nếu đặt hở trong các phòng như phòng khách, phòng sinh hoạt chung thì thường làm rộng tối đa là 90cm và các tay vịn nên thiết kế hở, thoáng để kết hợp làm phương tiện trang trí, tạo ra không gian sinh động phong phú.
  • Cũng như nhà hàng phố, các sân thượng ở nhà liên kế có sân vườn này thường làm mái bằng với giàn hoa có lối lên thuận tiện để khai thác, sử dụng như những vườn treo phục vụ nghỉ ngơi thư giãn và phơi phóng.

+ Đặc điểm mặt đứng
  • Kiến trúc mặt đứng của các nhà liên kế có sân vườn có thể tạo từng mặt đứng riêng giải quyết sẽ tương tự như thiết kế mặt đứng của biệt thự.
  • Khi lô đất có mặt tiền hẹp thì người ta giải quyết hiệu quả mặt đứng thông qua việc tổ hợp mặt đứng của cả tổng thể ngôi nhà. Người kiến trúc sư có thể vận dụng các quy luật về nhịp điệu qua việc nhắc lại các hình thức giống nhau của cửa sổ, ban công, lôgia của các căn hộ trong ngôi nhà đó và thông qua hiệu quả sự tương phản giữa phần rỗng và đặc, giữa phần sáng và tối, thông qua việc sử dụng các thủ pháp cửa góc, cửa sinh đôi, cho từng căn hộ hay cho hai căn hộ cạnh nhau.

3.2.3    . Nhà ở ghép hộ

a.    Đặc điểm chung

Là loại nhà ở thấp tầng (2-3 tầng), tổ hợp một hoặc nhiều căn hộ trong tổng thể công trình thống nhất. Nhà ở ghép hộ giải quyết được nhu cầu ở độc lập cho từng căn hộ nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất về hình thức kiến trúc và khối tích của toà nhà. Có thể hiểu, nhà ở ghép hộ là loại nhà ở tổng hợp nhiều căn hộ ghép lại theo một cơ cấu tổ chức nhất định, có quy mô thấp tầng.

b.    Yêu cầu qui hoạch, kiến trúc của loại nhà này

- Bố cục tổng thể
+ Bố cục nhà ở ghép hộ có các bố cục phong phú. Trên cơ sở một hoặc hai loại căn hộ đơn vị, có các hình thức tổ hợp khác nhau theo mặt bằng để tạo hình khối và bố cục hợp lý cho ngôi nhà. Điều đó phụ thuộc vào địa hình khu đất (theo dãy, theo nhóm, cụm, góc đường, xen kẽ với các khu ở nhiều tầng.
+ Có thể có vườn, sân trước nhà, vườn nội tâm.
+ Đảm bảo tính độc lập trong sử dụng giữa các căn hộ.

- Không gian
+ Nhà ở ghép hộ là tổ chức được một nhóm hộ, vẫn đảm bảo được sự cách ly độc lập cần thiết cho mỗi hộ, có sự độc lập tương đối giữa không gian trong và ngoài nhà, giữa các hộ với nhau. Giữa các hộ có thể tận dụng những không gian chung như vườn nội tâm, sân vườn trên mái, trước sảnh...

+ Nhà ở ghép hộ phải đáp ứng được dây chuyền công năng chung về cơ cấu căn hộ, đảm bảo tiện nghi., phù hợp với điều kiện sống của con người. Cụ thể phải đáp ứng được các chức năng vui chơi, giải trí, nghiên cứu học tập, phải đảm bảo điều kiện ở yên tĩnh, thoáng  mát và các yêu cầu về kỹ thuật vệ sinh...

+ Nhà ở ghép hộ cũng như các loại nhà ở khác, khi thiết kế phải nghiên cứu các giải pháp để tạo ra tính linh hoạt, đa năng trong nhà ở. Nhà ở không chỉ đáp ứng thoả mãn cho một thế hệ sử dụng mà phải cho từ 2-3 thế hệ. Với các dạng nhà ở sinh lợi, ngoài chức năng ở thông thường của nhà ở tầng 1 còn kết hợp là không gian kinh doanh, là văn phòng đại diện các cơ quan... Quá trình thiết kế cần nghiên cứu tổ chức mối liên hệ giữa không gian kinh doanh và không gian ở, tránh ảnh hưởng xấu lẫn nhau.

+ Cũng như các yêu cầu chung với một nhà ở kiểu căn hộ, nhà ở ghép hộ có cấu trúc căn hộ khép kín, tỷ lệ các phòng cần đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, có ánh sáng và thông thoáng tốt. Không gian cần tận dụng tới mức tối đa để bố trí các loại tủ treo, tủ tường, diện tích để xe đạp, xe máy, các không gian đệm ở bên ngoài cần nghiên cứu có cây xanh. Thông thường, cơ cấu căn hộ được chia thành các không gian chính sau

+ Không gian ngủ bao gồm các phòng ngủ và phòng làm việc (nếu có), các bộ phận phụ trợ của các phòng này bao gồm: ban công, lô gia, WC. Các phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi chủ yếu cần đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát đi lại thuận tiện. Các phòng ngủ có thể kiêm luôn chức năng phòng làm việc cá nhân. Chú ý bố trí tiếp xúc nhiều với thiên nhiên song phải kín đáo. Con 12 tuổi cần có phòng ngủ riêng khỏi bố mẹ, diện tích các phòng ngủ cá nhân khoảng 12 - 15m2, phòng ngủ bố mẹ khoảng 15 - 18m2 có thể bố trí khu WC riêng.

+ Không gian cộng đồng như phòng sinh hoạt chung, phòng khách
Là nơi gặp gỡ, đoàn tụ của cả gia đình và khách. Phòng khách cần đủ ánh sáng và mát mẻ, nên được chiếu sáng hai chiều. Phòng sinh hoạt chung có thể bố trí chỗ ngủ cho một cá nhân, quy mô phòng có thể từ 15 - 18m2. Nếu gia đình kết hợp kinh doanh ở tầng 1 (cửa hàng dịch vụ nhỏ) diện tích có thể từ 24 - 30m2.

+ Không gian phục vụ
Bếp có thể kết hợp với phòng ăn nên bố trí cửa sổ thông thoáng trực tiếp với ngoài nhà, tránh tiếng ồn ảnh hưởng tới các phòng khác, có chú ý tới giải pháp thoát khói và phòng hoả. Trong quá trình thiết kế, nên bố trí tổ hợp bếp và vệ sinh gần nhau giữa các căn hộ để sử dụng chung đường ống kỹ thuật. Nếu có phòng ăn riêng, bố trí liên hệ trực tiếp với bếp và phòng sinh hoạt chung.

+ Không gian giao thông
  • Các không gian nói trên mang tính độc lập tương đối và liên hệ với nhau thông qua nút giao thông chung của căn hộ là tiền phòng, sảnh tầng, hành lang theo giao thông ngang và cầu thang theo giao thông đứng.
  • Tìền phòng là đầu mối giao thông trong căn hộ, là bộ phận liên hệ giữa trong và ngoài nhà. Tiền phòng có thể kết hợp là nơi để xe đạp, xe máy, có giá treo mũ áo, giầy dép.
  • Hành lang (nếu có) là bộ phận giao thông nằm ngang, đảm bảo thoáng và chiếu sáng  đầy đủ, vận chuyển đồ đạc thuận tiện, kích thước rộng khoảng 1m trở lên, cầu thang cần đặt gần cửa, tầng phòng và sảnh tầng. Chiều rộng 1 vế thang khoảng từ 0,90-1,2m


Căn hộ trong nhà ở ghép hộ có thể bố trí từ 2 đến 5 phòng ở và phần phụ trợ theo cơ cấu thành phần hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh (tuỳ thuộc vào số lượng phòng và tiện nghi căn hộ).

-    Hình khối nhà ở ghép hộ Mái bằng, mái dốc
Nhà 2 hoặc 3 tầng
Cấu trúc hình khối thoáng, thống nhất giữa các mặt đứng về ngôn ngữ kiến trúc. Phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh.

-    Kinh tế - kỹ thuật
Tiết kiệm chi phí xây dựng so với các loại nhà ở thấp tầng khác. Hệ thống kỹ thuật hạ tầng sử dụng chung.

-    Các giải pháp xây dựng
  • Kết cấu chịu lực, thông thường có hai hệ kết cấu tường chịu lực và hệ kết cấu chịu lực khung BTCT. Hệ thống tường chịu lực có ưu điểm thuận lợi trong việc thi công theo phương pháp xây tường truyền thống, thích nghi với nhà ở thấp tầng nhưng có nhược điểm không gian sử dụng cứng nhắc, khó thay đổi linh hoạt. Ngược lại, hệ kết cấu khung BTCT chịu lực khắc phục được những nhược điểm của kết cấu tường chịu lực, đáp ứng được yêu cầu sử dụng đa năng trong tổ chức không gian các phòng ở.
  • Có thể có các giải pháp như tường gạch chịu lực; Khung BTCT tường xây chèn gạch; Khung BTCT mối nối cứng; Khẩu độ bước cột thích hợp
  • Để thoả mãn yêu cầu về sử dụng không gian và đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, trong điều kiện chức năng không gian ở thay đổi theo nhu cầu, hệ kết cấu có khẩu độ trung bình 3,60 x 3,60m áp dụng cho các phòng ở và khu phụ, 3,60 x 5,4m áp dụng cho các phòng sinh hoạt chung.
  • Nhìn chung, cấu trúc nhà ở ghép hộ có những ưu điểm là thay đổi toàn bộ các yếu tố đô thị: diện tích chiếm đất nhỏ, nhu cầu phục vụ tiện nghi tương đối cao, tăng khả năng tiếp xúc thiên nhiên, khả năng giao tiếp, tiết kiệm chi phí trong xây dựng cũng như đầu tư hạ tầng,  điển hình hoá và cho phép tạo các giải pháp tổ hợp phong phú mang tính thẩm mỹ, sinh động, đặc thù với các khả năng linh hoạt hình khối, tạo không gian đa chiều với cấu trúc mạng (khi nằm trong quần thể khu ở cao tầng kết hợp hợp thấp tầng).
  • Đây là mô hình tổ chức không gian ở trong đô thị sâu sắc và có ý tưởng. Tuy nhiên, nhà ở ghép hộ cũng còn tồn tại những nhược điểm: số tầng thấp nên hiệu quả sử dụng không cao, khó tạo được một quần thể kiến trúc hợp lý, về hình khối nếu không có sự kết hợp với các khu ở có số tầng trung bình hoặc cao tầng.

3.2.4    Nhà ở kiểu khách sạn

a.    Đặc điểm chung

  • Hiện nay trên thế giới loại nhà ở kiểu khách sạn là kiểu nhà rất được phát triển. Đây là loại nhà ở bao gồm những căn hộ nhỏ (chủ yếu từ 1-2 phòng ở). Khu phụ trong căn hộ của  nhà ở kiểu khách sạn tương đối đơn giản hơn ở chung cư nhưng trang thiết bị phục vụ cho những gia đình ít nhân khẩu (chỉ có hai vợ chồng không có con hoặc có một con, người độc thân, những cặp vợ chồng trẻ chưa có con). 
  • Nội dung của căn nhà kiểu này nằm ở giữa hai  loại hình nhà ở chung cư và khách sạn. Các gia đình thường là quy mô nhỏ, sống trong đó phải sử dụng chung các hành lang cầu thang như ở chung cư nhưng lại có bộ phận dịch vụ kiểu khách sạn  ở ngay trong ngôi nhà để giúp đỡ, hỗ trợ cho sinh hoạt gia đình như các  phòng bảo vệ, nơi tiếp nhận hàng, thư từ, các bếp và nhà ăn công cộng, các cơ sở giặt phơi, chỗ giải khát, uống cà phê, sinh hoạt câu lạc bộ như trong các khách sạn.
  • Trong nhà ở kiểu khách sạn vì đã có những dịch vụ công cộng ngay trong nhà ở nên nội dung của căn nhà, các diện tích phụ (bếp, khu vệ sinh (WC) cho từng gia đình) được đơn giản hoá, nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng. Chủ nhân của căn hộ có thể mua đứt hoặc chỉ thuê để  ở. Loại nhà này thường thiết kế cao tầng từ 9-16 tầng, nằm ở những khu đất trống và lẻ loi ở khu trung tâm thành phố hoặc xen kẽ trong những hệ thống các nhà ở vùng ngoại ô.

b.    Nếu căn cứ vào mức độ tiện nghi thì nhà ở kiểu khách sạn ở nước ngoài bao gồm

-    Phòng ở chỉ có chậu rửa
-    Phòng ở có khối vệ sinh kết hợp
-    Phòng ở có khối vệ sinh và bếp đơn giản (loại hộ nhỏ - Studio với 1-2 phòng chiếm ½ diện tích phòng ở)
-    Loại tiêu chuẩn cao với 2-3 phòng ở (Kiểu căn hộ gia đình) có bếp và khối vệ sinh đầy đủ (xí, tắm và chậu rửa)
Khối các phòng phục vụ các loại phân tán đặt theo tầng (bếp và phòng câu lạc bộ) và có loại tập trung đặt ở một tầng nhà (đặt ở tầng dưới) hoặc đặt ở một toà nhà riêng.

3.2.5    Nhà ở ký túc xá

-    Loại nhà ở dành cho đối tượng như những người độc thân, công nhân, quân nhân, sinh viên các trường Đại học, học sinh các trường Trung học chuyên nghiệp.

-    Trong nhà ở ký túc xá thường chia ra làm hai khu vực chính: khu vực ở và khu vực phục vụ công cộng (nhà ăn hoặc câu lạc bộ). Căn cứ vào quan hệ giữa khu vực ở và khu vực phục vụ mà có các giải pháp tổ hợp mặt bằng như sau:
+ Nhà ở ký túc xá có khu vực phục vụ bố trí ở tầng trệt.
+ Nhà ở ký túc xá có các phòng phục vụ công cộng bố trí trong một nhà riêng nhưng gắn liền với nhà ở bằng hành lang cầu.
+ Nhà ở ký túc xá chỉ có nhà ở.

-    Số chỗ của ký túc xá thông thường khoảng 300-400 chỗ. tại các nước, mức dao động về số chỗ ở khá lớn từ 20-500 chỗ hoặc ớn hơn nữa. Thực tế tổng kết ở một số nước cho thấy nếu thiết kế ký túc xá lớn hơn 500 chỗ để kinh tế hơn vì giảm nhỏ được chi phí khai thác sử dụng.

-    Nhà ở ký túc xá có các loại nhà hành lang trên, chỉ trong trường hợp tiêu chuẩn cao mới có mặt bằng kiểu đơn nguyên (không hành lang).

-    Tế bào tạo nên ngôi nhà là các buồng ở tập thể cho cá nhân (người độc thân) chỉ bố trí giường ngủ là chủ yếu, với các phòng bố trí 1-3 giường nếu là giường một tầng hay 6-8 giường nếu là giường hai tầng. Các khu vực WC, bếp được tập trung để phục vụ cho một loại phòng. Các phòng sang cũng chỉ trang bị một vòi tắm bông sen, một vòi rửa mặt cho tập thể  từ ba đến sáu phòng.

-    Các bữa ăn thường được tiến hành trong các nhà ăn tập thể ngay cạnh nhà ở. Trong ngôi nhà chỉ có một vài lò bếp công cộng để hâm nóng thức ăn hoặc để nấu bổ sung thêm các thức ăn khác. Ký túc xá thường được thiết kế 5-9 tầng, được phân bố trong các khu đất nhà máy, trường học, cạnh các công trình dịch vụ công cộng. Còn trung tâm thành phố cũng có  thể tổ chức những ký túc xá 12-15 tầng chung cho từng đối tượng, cho nhiều sinh viên các trường.

-    Tại nước ta trước đây ký túc xá không được xây dựng quá 5 tầng. xác định mức độ  tiện nghi của ký túc xá tuỳ thuộc vài diện tích ở và trang thiết bị kỹ thuật vệ sinh. Có loại phòng ở có thiết bị vệ sinh riêng, xí tắm đầy đủ; có loại phòng chỉ có chậu rửa và có loại phòng không bố trí thiết bị vệ sinh riêng mà bố trí chung cho mỗi tầng, cho từng nhóm phòng.

-    Các phòng trong ký túc xá phải nhỏ hơn tám giường với tiêu chuẩn diện tích như sau
+ Nhà ở tập thể cán bộ công nhân viên 4m2/ người là tối thiểu.
+ Nhà ở sinh viên và học sinh trung cấp 3,5m2/ người và tăng chiều cao tầng nhà lên
3,3m).
+ Trong ký túc xá khối vệ sinh thiết kế với tiêu chuẩn từ 15-18 người một chỗ tắm một
xí, một chỗ rửa và một chỗ giặt.
+ Trong nhà ở tập thể cho cán bộ công nhân viên có thể thiết kế thêm phòng khách chung rộng không quá 24m2.
+ Phòng ở ký túc xá cần phải có tủ tường,và trong điều kiện cụ thể có thể bố trí chậu rửa

3.2.6    Nhà ở nhiều căn hộ (nhà chung cư)

a.    Khái niệm

  • Các chung cư nhiều tầng là các loại nhà ở phục vụ nhiều gia đình với số tầng từ bốn tầng trở lên.
  • Ngôi nhà tập hợp vài chục đến vài trăm họ, mỗi gia đình sống biệt lập trong từng căn hộ riêng với tiện nghi trung bình hoặc tối thiểu và có những bộ phận chấp nhận sử dụng chung cho mọi hộ gia đình như hành lang, cầu thang, không giang phục vụ cho tập thể các hộ trong nhà (kho, chỗ để xe, trạm điện thoại...)
  • Đối với thành phố, đây là loại nhà kinh tế nhất và có khả năng đáp ứng khả năng chi trả của đại đa số người dân thành phố, đặc biệt thích hợp với những gia đình có thu nhập thấp.
  • Người ta còn gọi loại nhà này là loại nhà “xã hội" mảng nhà ở mà Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ để giải quyết sớm nạn khủng hoảng khan hiếm về nhà ở của các đô thị lớn.

b.    Đặc điểm chung

  • Kiến trúc nhà nhiều tầng và cao tầng tao bộ mặt đẹp và hiện đại cho các đô thị, dành các quỹ đất cho các mục đích khác như sân chơi và nghĩ ngơi, các công trình dịch vụ công cộng  và tạo được không gian cảnh quan sinh động và chất lượng sống được bảo đảm.
  • Nhà ở nhiều căn hộ là loại nhà phổ biến nhất trong thành phố và được xây dựng với  khối lượng tương đối lớn, loại này gồm một số kiểu căn hộ nhất định tương ứng với các kiểu gia đình khác nhau, mỗi căn hộ là một tổ hợp của các phòng chính, phòng phụ trong một căn hộ.
  • Căn hộ có quy mô tuỳ thuộc vào số phòng có thể 2 tới 5 phòng...
  • Loại nhà này được thiết lập dự trên tế bào của nó là căn nhà. Mỗi căn nhà là một chuỗi tập hợp các không gian, diện tích phục vụ đời sống sinh hoạt độc lập khép kín của một gia đình. Gia đình vốn khác nhau về mặt cấu trúc nhân khẩu, về mối quan hệ giữa các thành viên, về nghề nghiệp xã hội, cho nên để thiết kế tốt nhà chung cư thì người thiết kế phải nắm được  tỉ lệ cấu trúc các loại hộ gia đình khác nhau trong đối tượng dân cư mình phục vụ tại khu ở tương lai.
  • Trong từng khu nhà, tỉ lệ các loại căn hộ phải phù hợp hoặc gần phù hợp với thực tế lúc khai thác sử dụng (cần dựa trên các số liệu điều tra và dự báo).
  • Nếu như trong các căn nhà bình thường, ít tầng, kiến trúc sư thiết kế dựa theo đơn đặt hàng của chủ nhân các gia đình sẽ đến ở trong tương lai, thì trong mảng nhà ở chung cư này, người kiến trúc sư phải dựa trên những nghiên cứu tiếp thị, điều tra xã hội, những thống kê về dân số, gia đình để đưa ra những thông số hợp lý.
  • Tiêu chuẩn diện tích ở, các tiện nghi đời sống phải được nghiên cứu, đáp ứng, căn cứ trên điều kiện kinh tế xã hội của đất nước theo những quy pháp hiện hành nhằm bảo đảm cho đại bộ phận những người nghèo, thu nhập thấp có khả năng toại nguyện sự mưu cầu một chỗ ở. Nói cách khác, loại hình nhà ở này phải tuân theo những định hướng và khống chế của chính sách nhà ở.
  • Thiết kế phải đáp ứng được điều kiện xây dựng phổ cập với quy mô lớn (nhanh, nhiều, tốt, rẻ). Thông thường, người ta sử dụng phương pháp xây dựng công nghiệp hoá, xây dựng hàng loạt theo hướng những thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần một seri mẫu.
  • Loại nhà này không trang bị thang máy, còn với những căn hộ ở trên tầng năm thì phải thiết kế những kiểu căn hộ thông tầng (người sử dụng căn hộ này chỉ lên đến tầng năm bằng thang bộ chung, từ tầng năm đến tầng bảy là phạm vi liên hệ trong một gia đình). Tuy nhiên về giải pháp mặt bằng - không giang thì chung cư nhiều tầng và cao tầng như nhau, có khác là chỉ ở nút giao thông đứng có hay không có thang máy.

c.    Yêu cầu quy hoạch

  • Nhà ở nhiều căn hộ là thành phần cơ bản trong tổ chức quy hoạch đô thị
  • Nhà ở nhiều căn hộ cần phải kết hợp với các loại nhà ở khác nhau để tạo thành những không gian ở hợp lý về mặt sử dụng, giao thông, mỹ quan và môi trường.
  • Do mỗi đơn vị ở bao gồm nhiều căn hộ nên các bán kính từ nhà ở nhiều căn hộ đến các công trình công cộng khác như nhà trẻ, trường học, cửa hàng, câu lạc bộ, nhà văn hoá, bệnh viện... cần phải được sắp xếp hợp lý, thuận tiện cho việc sử dụng và tạo mạng lưới công trình công cộng phục vụ cho đô thị.
  • Việc lựa chọn các dạng nhà ở nhiều căn hộ trong quy hoạch đô thị cần thiết phải tính toán sao cho tạo ra được các không gian linh hoạt và phong phú. không đơn điệu nhàm chán góp phần vào quy hoạch không gian cảnh quan chung của toàn đô thị.
  • Nhà ở căn hộ nhiều tầng cần phải kết hợp với các nhà thấp tầng, nhà tháp cây xanh, công trình công cộng, để tạo thành các không gian linh hoạt sinh động trong đô thị.

d.    Phân loại

- Căn cứ vào cách tổ hợp những căn hộ mà người ta có thể phân loại các chung cư nhiều tầng thành các dạng sau
+ Chung cư kiểu đơn nguyên.
+ Chung cư kiểu hành lang
+ Chung cư vượt tầng.
+ Chung cư có sân trong
+ Chung cư lệch tầng.
- Nhà ở kiểu đơn nguyên (tầng trung bình)

+ Khái niệm
  • Danh từ nhà ở đơn nguyên thường dùng để chỉ nhà ở có nhiều đơn nguyên được lắp ghép theo chiều ngang, thường từ 3 - 5 đơn nguyên. Mỗi đơn nguyên có từ 2 - 4 căn hộ, được bố trí xung quanh một cầu thang. 
  • Nhà ở đơn nguyên phổ biến nhất là loại nhà 3,4,5 tầng nếu 5 tầng trở lên ngoài nút thang bộ thường có thêm thang máy.

+ Các loại nhà kiểu đơn nguyên Đơn nguyên theo kiểu hành lang
  • Đơn nguyên theo kiểu hàng lang giữa Đơn nguyên theo kiểu giếng trời
+ Các hình thức xây dựng
  • Nhà ở đơn nguyên xây dựng bằng gạch, thường có chiều cao 4 đến 5 tầng, không có thang máy, Nhà ở đơn nguyên đổ bê tông tại chỗ, loại này có khung, sàn đổ bê tông cốt thép tại chỗ thường dùng cho các công trình xây dựng xen cấy hoặc mặt bằng xây dựng chật hẹp.
  • Ngoài ra còn nhiều biện pháp xây dựng khác ví dụ như kết hợp khung cột đổ bê tông tại chỗ, tường xây chèn gạch, sàn mái gác panel...
+ Số tầng cao của đơn nguyên
  • Nhà ở đơn nguyên thường có độ cao trung bình 4 đến 8 tầng
  • Nhà ở đơn nguyên cao tầng, loại nhà này có độ cao 9 tầng trở lên, theo quy định nhà ở này phải có thang máy.
  • Nhà ở đơn nguyên kiểu tháp, loại  này chỉ có một đơn nguyên cao từ 17 tầng trở lên.
+ Các loại đơn nguyên nhà ở
  • Mặt bằng đơn nguyên thay đổi tuỳ theo vị trí cầu thang, bếp, khối vệ sinh và số phòng của mỗi đơn nguyên.
  • Các đơn nguyên nằm giữa khối là các đơn nguyên điển hình.
  • Đơn nguyên đầu hồi có một số phòng có thể mở thêm cửa sổ vì vậy mặt bằng khác với đơn nguyên điển hình.
  • Đơn nguyên chuyển tiếp thường gặp ở những kiểu ghép chữ U, chữ T, chữ L, chữ I......
+ Ưu điểm và nhược điểm của nhà ở kiều đơn nguyên
  • Ưu điểm là tiết kiệm đất xây dựng nâng cao mật độ cư trú; tiết kiệm hệ thống kỹ thuật hạn tầng và hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ở; tuổi thọ và sự khấu hao của công trình kiên cố kinh tế hơn so với nhà ít tầng, giảm chi phí quản lý cho ngôi nhà; tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hoá xây dựng nhà ở, để áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, giải quyết tốt vấn đề thiếu nhà ở trong đô thị lớn; hình khối kiến trúc phong phú, đóng góp cho bộ phận kiến trúc trong các thành phố
  • Nhược điểm là các phòng thiếu sự liên hệ trực tiếp với thiên nhiên và cây xanh; sự kín đáo yên tĩnh kém hơn nhà ít tầng; giao thông sử lý chất thải phức tạp; vốn đầu tư ban đầu lớn, thi công xây dựng khó khăn hơn nhà ít tầng, đảm bảo và yêu cầu kỹ thuật cao.

- Nhà ở kiểu hành lang (chỉ một đơn nguyên)

+ Khái niệm
Nhà ở kiểu hành lang là kiểu nhà có các căn hộ được bố trí dọc theo hành lang rộng 1,2m đến 1,8m nhà có thể có 1 hoặc 2 cầu thang. Loại này có hai dạng nhà ở kiểu hành lang giữa và nhà ở kiểu hành lang bên. Nhà ở kiểu hành lang giữa là loại có căn hộ bố trí hai bên hành lang hoặc các căn hộ được bố trí 1 bên hành lang
+ Các hình thức bố cục mặt bằng Bố cục mặt bằng theo hình chữ nhật Bố cục mặt bằng so le, Mặt bằng được bố trí tự do
+ Các hình thức xây dựng
  • Nhà xây bằng gạch loại này thường cao tầng tường xây gạch, sàn mái, gác panel được chế tạo tại nhà máy.
  • Nhà lắp ghép là loại nhà có tấm tường, sàn, dầm, được lắp ghép bằng tấm bê tông cốt thép được chế tạo sẵn trong nhà máy.
  • Đỗ tại chỗ, loại nhà này có khung BTCT đổ tại chỗ.
  • Ngoài ra còn các biện pháp thi công khác nhưng kết hợp đổ tại chỗ với xây chèn gạch hoặc sàn gác panel
+ Phân loại theo tầng cao
  • Loại nhà ở kiểu hành lang thường là 4 tới 5 tầng, cũng có khi chỉ tới 2 tới 3 tầng

+ Các loại nhà ở kiểu hành lang và cách ghép Cách ghép thành dãy hành lang bên
  • Cách ghép thành dãy thành lang giữa
  • Các cách ghép khác, ngoài ra còn nhiều cách ghép khác tuỳ thuộc vào mặt bằng khu đất, hướng gió...

+ Ưu điểm là kết cấu đơn giản dễ thi công, có thể quy hoạch háo để xây dựng lắp ghép do mặt bằng có khối ở tách khỏi cầu thang
  • Mặt đứng phong phú phù hợp với điều kiện xứ nóng tạo cho nhà có phong cách kiến  trúc nhẹ nhàng, đẹp,,,
  • Phòng hoả tốt, thoát người dễ dàng hơn các loại nhà khác khi có sự cố xảy ra
+ Nhược điểm là bố trí mặt bằng chung không được gãy gọn cho khối cầu thang tách ra khỏi nhà làm cho việc hoàn thiện đất đai, sân vườn, cây xanh, đường ống có nhiều trở ngại.
  • Nhà ở hành lang không độc lập, các phòng trong căn hộ khép kín, vì căn hộ để rời và dạng ống.
  • Nhiều dự án chung cư còn làm hành lang giữa, hành lang bên làm cho các căn hộ thiếu tính độc lập, riêng tư, gây ồn ào, bụi bậm, mất vệ sinh chung, mất đoàn kết xóm giềng, khó khăn cho quản lý. Hành lang giữa gây nóng, bí, thiếu thông thoáng tự nhiên, lối ra vào các căn hộ trực tiếp với hành lang, sảnh, thang máy hoặc các phòng áp hành lang không giải quyết được sự độc lập khép kín, cũng như khó sử lý chống ồn và thông thoáng tự nhiên.

- Nhà ở đơn nguyên dạng tháp
+ Khái niệm
  • Nhà ở một đơn nguyên độc lập - nhà tháo nhà điểm, thông thường là cao tầng, các căn hộ tập trung xung quanh nút giao thông, gồm cầu thang và thang máy.
  • Chung cư nhiều tầng (nhà tháp), nên được đặt ở vị trí có cảnh quan đẹp, mật độ cư trú không quá dày đặc để các mặt nhà có khả năng tiếp cận với thiên nhiên và không bị các nhà cao khác che chắn, tầm nhìn khi công trình bố trí thành nhóm, hoặc nằm trong khu dày đặc nhà cao tầng, ở các đường phố trung tâm…..
  • Chung cư cao tầng thích hợp hơn cho người độc thân, các gia đình trẻ, gia đình ít người, hoặc gia đình ít thể hệ với diện tích căn hộ nhỏ. Trong nhà chung cư nhiều tầng, ở tầng một và tầng hai không nên bố trí căn hộ, mà nên dung làm không gian phục vụ công đồng sẽ hiệu quả hơn.
+ Phân loại theo hình dáng mặt bằng
  • Nhà tháp có mặt bằng hình vuông, hình chữ nhật Nhà tháp có mặt bằng hình T
  • Nhà tháp có mặt bằng hình Y
  • Nhà tháp có mặt bằng hình chữ thập
  • Ngoài ra còn rất nhiều loại nhà tháp hình sao 3 cánh, 4 cánh, 5 cánh, hình bát giác, kết hợp giữa hai hình chữ nhật, các mặt bằng có hình tự do... Nói chung nhà tháp rất đa dạng, phong phú tuỳ thuộc vào mặt bằng khu đất.

+ Phân loại theo biện pháp và công nghệ xây dựng Nhà tháp lắp ghép
Nhà tháp có khung sàn đổ tại chỗ tường chèn gạch và vách ngăn nhẹ Nhà tháp xây dựng bằng khung thép, BTCT kết hợp với khung thép.

Ngoài ra còn phải áp dụng  biện pháp thi công hiện đại với nhiều hình thức khác nhau.
+ Các loại đơn nguyên kiểu tháp
  • Kiểu độc lập
  • Kiểu ghép với nhà tháp khác tạo thành nhà song sinh

+ Ưu điểm của nhà tháp
Tiết kiệm đất đai xây dựng, nâng cao mật độ cư trú
Phát huy được ưu thế về chiều cao, sự tương phản giữa nó với các công trình khác sẽ  tạo hiệu quả tốt về mặt thẩm mỹ về quy hoạch, phong phú thêm cho bề mặt kiến trúc của đô thị.
Sử dụng đất đai xây dựng chặt chẽ thích hợp với việc đô thị hoá ngày nay.
Tiết kiệm hệ thống kỹ thuật, giảm chi phí quản lý, tuổi thọ công trình thường cao.

+ Nhược điểm của nhà tháp Vốn đầu tư ban đầu lớn
  • Yêu cầu trang thiết bị hiện đại, phương pháp thi công phức tạp, yêu cầu kỹ thuật xây dựng với độ chính xác cao và hiện đại
  • Giao thông giữa các tầng phức tạp Kém tiếp xúc với môi trường tự nhiên.

e.    Cơ cấu nội dung căn hộ và tiêu chuẩn thiết kế của chung cư nhiều tầng

-    Cấu trúc hộ phòng tức tỷ lệ phần trăm (%) các loại quy mô căn hộ khác nhau là cơ sở quan trọng để tổ hợp mặt bằng kiến trúc chung cư. Có thể tham khảo các tỷ lệ cấu trúc sau trong giai đoạn trước mắt (kiến nghị của Bộ Xây Dựng)
+ Hộ 1-2 người: 15,4%
+ Hộ 3-4 người: 67,2%
+ Hộ 5-6 người: 8%
(Dùng cho mảng dân cư có thu nhập thấp, người nghèo khổ).

-    Việc đảm bảo tỷ lệ cấu trúc hộ - phòng này có thể thực hiện bằng ba cách
+ Bảo đảm ngay trong mặt bằng tầng điển hình.
+ Bảo đảm trong toàn ngôi nhà (có mặt bằng tầng không giống nhau).
+ Bảo đảm trong nhóm nhà hay khu nhà, mỗi nhà một vài loại quy mô với tỷ trọng khác nhau nhưng tổng hợp lại là đáp ứng cung cầu.

-    Chỉ tiêu diện tích ở đến năm 2010 có thể căn cứ trên tiêu chuẩn 6m2 đến 8m2 cho  một đầu người, tuỳ theo sự phân loại mức độ tiện nghi.
Loại C: Tiện nghi tối thiểu phục vụ cho đối tượng nghèo khổ, thu nhập thấp. Loại B: Tiện nghi trung bình phục vụ cho cán bộ công nhân viên.
loại A: Tiên nghi khá phục vụ cho gia đình có thu nhập trên trung bình.

-    Diện tích cho các thể loại căn hộ của  ở chung cư (theo thực tế ở Việt nam hiện nay)
+ Căn hộ loại A
Loại 1A có diện tích 112m², gồm 3 phòng ngủ
Loại 2A có diện tích 92m², gồm 2 phòng ngủ (2 phòng ngủ có vệ sinh riêng) Loại 3A có diện tích 89m², gồm 2 phòng ngủ (1 phòng ngủ có vệ sinh riêng) Loại 4A có diện tích 72m², gồm 1 phòng ngủ

+ Căn hộ loại B
Loại 1B có diện tích 112m², gồm 4 phòng ngủ Loại 2B có diện tích 104m², gồm 3 phòng ngủ Loại 3B có diện tích 64m², có 2 phòng ngủ Loại 4B có diện tích 48m², gồm 1 phòng ngủ
Bảng 6: Diện tích sàn cho các loại tiện nghi (ở và phụ)- Ssàn  =Sở Sphụ
Số nhân khẩu gia đình    loại C (m2)    loại B (m2)    loại A (m2)
2 người    30    36    45
3 người    36    45    54
4 người    45    54    75
5 người    54    75    90
6 người    75    90    108
7 người    90    108    150


Bảng 7: Diện tích đối tượng thu nhập thấp và trung bình

Số phòng    Nhân khẩu    Ssàn    Sở    Bếp    Sảnh, WC, lối đi
1    2    28    14    4    10
1    3    34    18    4,5    12
2    4-5    46-48    24-26    5    14-15
3    6-7    58-60    34-36    5-6    15-18
4    8-9    70-72    44-46    5-6    18-20


-    Vào những thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX ở Nhật Bản và Pháp các chung cư thiết kế cho người có thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiện nghi như Việt Nam hiện nay mà tiêu chuẩn cụ thể có thể tham khảo trong các bảng 3, 4, 5 dưới đây
Bảng 10: Bảng quy định - diện tích tối thiểu - cho hộ chung cư (Pháp)

Loại căn hộ    2/3    2/4    3/4    3/5    3/6    4/6    4/7    4/8    5/8
    m2    m2    m2    m2    m2    m2    m2    m2    m2
Bếp    6    7    7    7    8    8    8    8    8
Ăn    5    5    5    6    6    6    7    8    8
Sinh hoạt chung    13    13    13    14    16    16    17    18    18
Ngủ bố mẹ    14    14    14    14    14    14    14    14    14
Ngủ 2    8    12    8    12    12    12    12    12    12
Ngủ 3    -    -    8    8    12    8    12    12    12
Ngủ 4    -    -    -    -    -    8    8    12    8
Ngủ 5    -    -    -    -    -    -    -    -    8
Tắm + WC    4    4    4    -    -    -    -    4    4
Tắm không có WC    -    -    -    4    4    4    4    -    -
WC tách biệt    -    -    -    1,2    1,2    1,2    1,2    1,2    1,2
Vòi rửa phụ thêm    -    -    -    1    1    1    1    1    1
Kho    1,5    1,5    1,5    2    2    2    2,5    2,5    2,5
Diện tích sàn chung    51,5    56,5    60,5    69,2    76,2    80,2    86,7    93,7    97,7
Ghi chú: -1 mat   1,67m2  (1 chiếu tatami).
Các số 1, 2, 3... là số phòng ngủ, A: Phòng ăn; B: Bếp; K: Phòng khách (SHC)
Trong loại căn hộ tử số là phòng ngủ và mẫu số là nhân khẩu. Diện tích sàn chung không kể diện tích giao thông và ban công, lô gia, thường chiếm khoảng 25  30% sàn.


Áp dụng cho chung cư từ 2 đến 4 phòng ngủ (tức hộ 3 đến 6 phòng) với trung bình diện tích sàn từ 20 đến 25m2/ phòng ngủ, thích hợp với chung cư cho thuê giá phải chăng.
Bảng 8: Tiêu chuẩn ở tối thiểu (Nhật Bản)


Số gười trong hộ   
Cấu trúc phòng   
Tổng diện ở + bếp    Diện tích sàn    Tham khảo: tổng diện tích đất làm nhà (kể cả khu dùng chung...)
1 người    1B    7,5m2  (4,5 mat)    16m2    (21m2)
2 người    1AB    17,5m2 (10,5mat)    29m2    (36m2)
3 người    2AB    25,0m2 (15,0mat)    39m2    (47m2)
4 người    3AB    32,5m2 (19,5mat)    50m2    (59m2)
5 người    3AB    37,5m2 (22,5mat)    56m2    (65m2)
6 người    4AB    45,0m2(27,0mat)    66m2    (76m2)
7 người    5AB    52,5m2(31,5mat)    76m2    (87m2)
Bảng 9: Tiêu chuẩn ở trung bình (Nhật Bản)


Số người trong hộ   
Cấu trúc phòng   
Tổng diện ở + bếp    Diện tích sàn    Tham khảo tổng diện tích đất làm nhà (kể cả khu dùng chung...)
1 người    1A    17,5m2  (10,5 mat)    29m2    (36m2)
2 người    2KAB    33,0m2 (20,0mat)    50m2    (60m2)
3 người    2KAB    43,5m2 (26,5mat)    69m2    (81m2)
4 người    3KAB    57,0m2 (34,5mat)    86m2    (100m2)
5 người    4KAB    64,5m2 (39,0mat)    97m2    (111m2)
6 người    4KAB    69,5m2(43,5mat)    107m2    (112m2)
7 người    5KAB    79,5m2(48,0mat)    116m2    (132m2)

g. Yêu cầu thiết kế

-    Yêu cầu thiết kế đối với nhà tầng trung bình và cao tầng
Khu ngày thì ồn ào, tập thể, phải tiếp cận xã hội thuận tiện. Cần tập hợp chúng gần nhau tạo nên con đường ngắn nhất tiếp cận với hành lang chung (sinh hoạt chung, bếp, WC cho khách...).
Khu đêm thì kín đáo, yên tĩnh, thoáng mát và ấm cúng. Nên bố trí ở phía sâu của căn  hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp nhiều với hành lang chung (phòng ngủ vợ chồng, các phòng ngủ thành viên khác, WC, kho, ban công, lôgia...)
Có hai phương án liên kết chức năng với hành lang tương tự như trong loại nhà thấp tầng là dùng tiền phòng làm đầu nút giao thong; dùng phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung để làm đầu mút giao thông.

- Yêu cầu thiết kế đối với nhà tháp
+ Các quần thể nhà ở lớn có dịch vụ công cộng tổng hợp. Trong thời gian gần đây, xu hướng chung của các thành phố cực lớn rất chú ý đến việc xây dựng tập hợp các nhà ở thành một quần thể lớn có trang thiết bị phục vụ công cộng.

Đó là những quần thể nhà ở hay những đơn vị ở khổng lồ có quy mô như một làng hay xóm nhà ở phục vụ 2000 tới 4000 đôi khi tới 6000, 8000 người dân ngay trong một ngôi nhà, nghĩa là có quy mô tương đương một nhóm nhà ở lớn, một tiểu khu hoặc một thành phố nhỏ, trong đó người ta kết hợp nhà ở cùng các tổ chức dịch vụ tổng hợp công cộng như các cửa hàng, các nhà trẻ, các cơ sở y tế, văn hoá, giải trí cùng các cửa hàng sửa chữa phục vụ đời sống.

+ Loại quần thể có thể thiết kế phù hợp với mọi kiểu gia đình, mọi kiểu nghề nghiệp  đầu tư. Chất lượng phục vụ đời sống của nó ưu việt ở chỗ mọi dịch ụ đời sống có bán kính phục vụ ngắn, nghĩa là bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ căn nhà ở đến cửa hàng, nhà trẻ, trường học, câu lạc bộ và rạp chiếu bóng nhằm tiết kiệm thời gian, công sức đi lại.

+ Hình thức này cũng bảo đảm tiết kiệm khối tích xây dựng vì có thể thiết kế bếp và các diện tích phụ rất nhỏ. Chỉ đối với nhà ở cho hộ đông người mới thiết kế các loại buồng bếp thông thường, còn thì sử dụng các loại góc bếp nhỏ hoặc nhà ăn công cộng.

+ Tất nhiên đây là giải pháp cho những đồ thị cực lớn nhằm tạo ra mật độ xây dựng nhỏ nhưng mật độ cư trú cao, giải phóng mặt đất để dành cho công viên và sân bãi thể dục và rút ngắn các bán kính phục vụ để tiết kiệm quỹ thời gian rỗi cho công dân. Các ngôi nhà tổng thể lớn này gọi là “những làng, thị trấn theo chiều cao”, có thể đạt chiều cao vài chục tầng. Vì thế để phục vụ cho khối người ở lưng chừng trời, người ta tổ chức những công viên treo, phố mua bán treo, hành lang phố, những nơi vui chơi gặp gỡ của thanh niên, thiếu nhi ở lưng chừng trời, trên sân thượng. đơn vị ở Marseille của kiến trúc sư Le corbusier là một ví dụ minh hoạ điển hình, một mô hình thí điểm thuộc loại đầu tiên

+ Hiện nay những đồ án thiết kế các quần thể nhà ở này đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và một số đã được thí điểm xây dựng vì những ưu điểm lý thuyết nói trên của nó. Từ thế kỷ trước, Engels đã phác hoạ lên kiểu nhà này coi đó như một hình thức nhà ở phù hợp với chủ nghĩa cộng sản.

Owels và Fourier - Những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng trước đây cũng đề cập đến loại này, tuy nhiên ý kiến phản bác cũng không kém.

Giải pháp mặt bằng thường thấy nhất ở những quần thể nhà ở lớn có trang thiết bị phục vụ công cộng như nhiều khối nhà cao tầng đặt song song nối liền nhau bằng các khối nhà  công cộng thấp tầng; Giải pháp mặt bằng có hình dạng tự do đố với nhà ở cũng như nhà công cộng, nhưng khối ở để đảm bảo sự liên hệ ngắn nhất với các khối nhà ở; Giải pháp mặt bằng kiểu tập trung, hình dạng chung của ngôi nhà gọn, rất chặt chẽ. Loại này rất thích hợp với những vùng khí hậu rất lạnh, đôi khi ở giữa khối nhà bố trí sân có mái kính, bên dưới dành cho khu vực cây xanh, phòng mùa đông, không gian cộng đồng của nhà.
Share on Google Plus

About Xinh Blog

Đây là 1 website thiết kế kiến trúc nhà ở tổng hợp từ nhiều nguồn, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét