Xem toàn bộ nội dung sách: Nguyên lý thiết kế kiến trúc nhà ở
5.1. Các xu hướng và giải pháp nâng cao tiện nghi và chất lượng nhà ở
5.1.1 Các giải pháp tạo vi khí hậu thuận tiện trong nhà ở
- Nhà ở trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Việt nam, đòi hỏi các giải pháp chống lại các tác động có hại của môi trường đến trạng thái sinh lý của con người. Nhà ở cần kết hợp ba loại không gian kín, hở và nửa kín nửa hở, có hiên rộng, logia, sân tạo không gian chuyển tiếp chống lại nắng nóng, mưa nhiều.
- Không gian trong nhà phải thoáng, xử lý thông gió tự nhiên bằng các phương pháp sau
+ Chọn hướng nhà thích hợp để có gió mát về mùa hè (Đông nam), tránh gió lạnh về mùa đông (Đông Bắc)
+ Tạo các khoảng trống có lợi cho luồng gió mát tự nhiên thổi vào phòng ở, sử dụng giải pháp tạo cầu hút gió qua cách bố trí cầu thang, sân trong, phòng sinh hoạt chung…..
+ Chống nóng cho mái nhà bằng cách tạo tầng không khí đối lưu bằng hình thức một lớp mái kép; sử dụng các vật liệu cách nhiệt, phản nhiệt không thấm nước; chống nóng cho tường, cửa sổ (kết hợp chống mưa hắt); dùng các tấm chắn nắng di động và cố định; dung các tường cây dây leo…..
5.1.2 Tính linh hoạt trong thiết kế và khai thác không gian ở
- Trong thiết kế kiến trúc nhà ở cần tạo ra những không gian đa năng là không gian bao gồm nhiều chức năng sử dụng khác nhau được sử dụng một cách linh hoạt tại các thời điểm khác nhau. Việc sử dụng không gian đa năng cho phép tiết kiệm diện tích, nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, chất lượng cuộc sống.
- Muốn tạo lập những không gian đa năng, linh động cần phải
+ Định tính không gian (xác định tính chất không gian)
+ Xác định mối quan hệ giữa các không gian trong nhà ở
+ Tạo được sự lưu thông của không gian
5.2 Kinh nghiệm của các nước trên thế giới
5.2.1 Kinh nghiệm về tổ chức chung cư cao tầng ở các nước Đông nam á
a. Những kinh nghiêm đáng quan tâm của Sigapore
- Đô thị hoá là con đường tất yếu, của mọi quốc gia trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.Là một nước nằm ở vùng Đông Nam Á, tên gọi cũ là Nam Đảo nói lên vị trí đặc biệt của nó cũng như tình trạng khan khiếm đất đai ở đây. Singapore là nước duy nhất ở châu Á đã phủ kín đô thị lên toàn bộ 600km2 diện tích của mình với gần 100% dân số sống ở đô thị.
- Sự bùng nổ dân số cùng với hậu quả của vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị, buộc các thành phố phải mở rộng và phát triển theo chiều cao. Việc xây dựng các cao ốc, nhà chung cư cao tầng là tính tất yếu của các đô thị, để đáp ứng nhu cầu ở cho người dân
đô thị. Singapore, nổi tiếng về thành phố nhà nhiều tầng, với đại bộ phận là
các công trình nhà chung cư nhiều tầng (từ 16-25 tầng), đảm bảo chỗ ở cho gần 90% dân số đô thị.
Điều đó cũng nói lên sự cố gắng của Chính phủ cũng như nhân dân Singapore từ thời kỳ sau thuộc địa với sự tiến hành hàng loạt giai đoạn phát triển đô thị, nằm trong một chiến lược phát triển lâu dài.
- Đô thị Singapore có nguồn gốc từ các khu Chinatown (khu phố Trung Quốc) tồi tàn, chật chội, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh là chủ yếu. Nó cũng có cấu trúc tương đối phù hợp với khí hậu Nam Đảo (nóng ẩm, mưa nhiều) và lối sống truyền thống với các mái ngói rộng với các lớp nhà, được phân cách bởi khoảng sân trời chạy từ mặt phố sâu từ bên trong. Điều này nói lên sự tương đối đồng nhất của cư dân lúa nước ở vùng Đông Nam Á với đặc trưng khí hậu, nhân văn. Quy hoạch toàn đảo được phân qua năm 1958 đã loại bỏ hoàn toàn phương hướng phát triển đô thị trung tâm tỏa ra xung quanh mà ngược lại chấp nhận với xây dựng các giai đoạn đầu các khu ở mới ngoại ô, hầu hết gồm các khu nhà cao tầng dày đặc, giá thành thấp với tiện nghi tối thiểu nhằm giải tỏa mật độ của trung tâm. Điều này cũng phù hợp với những thời kỳ đầu trong phát triển đô thị mới trên cơ sở sự kết hợp giữa kiểu thành phố vườn thịnh hành ở Anh quốc với những khái niệm kiến trúc của Le Corbusier (các khái niệm này nhấn mạnh đến việc xây dựng các khối nhà cao ốc" thành phố trong thành phố " xen kẽ với những công trình dịch vụ công cộng đầy thuận tiện giữa cây xanh và vườn). Một sự gặp gỡ ngẫu nhiên của lịch sử kiến trúc Singapore có được các khu về mặt tổng thể hoàn toàn phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên chất lượng của các căn hộ xây dựng thời kỳ này không thỏa mãn về thông gió, chiếu sáng tự nhiên cũng như cảnh quan môi trường, bởi sự hạn chế về diện tích, ít phòng, công trình phụ nhỏ, thiếu thiên nhiên.
- Đi đôi với việc kiến tạo các đô thị mới ở vùng ven đô, Singapore đã bằng mọi cách giảm bớt mức tập trung dân số ở khu trung tâm, để giải tỏa sức ép về sự quá tải ở đây. Bằng cách phá bỏ những khu ổ chuột để thay thế bằng các không gian cây xanh, hồ nước, quảng trường tạo ra những lá phổi xanh nho nhỏ trong nội thành. Trong khu vực quan tâm cũng xen kẽ các công trường và khí hậu lành mạnh ở đây cũng là một kinh nghiệm quý trong thời kỳ đầy phát triển, có tính đến ngay sự giữ gìn môi trường trong sạch cho trung tâm. Đồng thời các căn nhà phố truyền thống cũng được khôi phục lại để giữ lại các di sản kiến trúc của đô thị, khống chế độ cao, các khoảng sân trong, tạo mặt hồ rộng để lấy gió mát cho thành phố.... Các chung cư cao tầng khối lớn nằm lùi xa mặt đường cho ta hình ảnh của sự phát triển theo tinh thần cộng sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của cư dân ở đây.
- Gần đây, Chính phủ Singapore đặt vấn đề chất lượng cuộc sống trong đô thị lên một trình độ mới. Tiêu chuẩn hàng đầu là môi trường trong sạch (du khách tổng kết đây là đất nước sạch nhất thế giới , tiện nghi đô thị cao). Những chỉ tiêu về môi trường, khí hậu... đã thích nghi trong việc tìm các giải pháp hữu hiệu cho tổng thể và các công trình xây dựng.
- Các nhà tháp là những điểm nhấn mạnh của những khu nhà cao vừa phải (nhiều tầng) đặt trọn các giải cây xanh đan xen và lan tỏa. Diện tích các căn hộ tăng lên rất cao như 90m², 120m², 180m² tạo điều kiện cho việc thiết kế các khu vệ sinh thoáng đãng; đưa thiên nhiên vào nhà như một yếu tố đánh giá chất lượng căn hộ.
- Ở Singapore bây giờ có xu hướng chọn các khu nhà cao tầng đã
được nhiệt đới hóa về kiến trúc đặt ở các khu trung tâm để tiết kiệm đất, nhưng được cấy vào giữa cây xanh, hồ nước, các khoảng trống rộng khiến cho bộ mặt toàn đô thị ở đây khác xa với Hồng Kông.
- Trong khoảng gần 30 năm, Singapore đã xây dựng được 70 vạn căn hộ nhà ở, hiện tại tại toàn quốc có khoảng 87% dân số được ở trong các ngôi nhà này. Đây là kỳ tích mà ít nước trên thế giới thực hiện được.
- Đặc điểm kiến trúc của Singapore
+ Tỷ lệ cao tầng chiếm số lớn
+ Nhà thấp tầng dành chủ yếu cho tiêu chuẩn ở rất cao.
+ Không gian khu nhà xanh đẹp và vệ sinh.
+ Bố cục căn hộ hợp lý.
- Singapore là một đô thị đất đai khan hiếm, theo tính toán sơ bộ mỗi người dân bình quân chỉ có khoảng 213m2, tỷ lệ nhà cao tầng chiếm khoảng trên 50%. Những ngôi nhà chính có số tầng cao khác nhau nhưng việc bố trí mặt ngoài ngôi nhà và tổng thể quy hoạch có nghiên cứu rất quy củ, và trật tự. Giữa các ngôi nhà cao tầng là các vườn cây xanh, sân chơi cho thiếu nhi. Mật độ xây dựng rất cao nhưng khi vào khu nhà cảm thấy dễ chịu. Sống trong những ngôi nhà tầm nhìn thoáng rộng, môi trường xanh mát, đẹp đẽ và do thông gió tốt nên mùa hè rất mát. Khu nào có bãi đỗ xe rộng, nhân viên phục vụ chu đáo người ở thấy dễ chịu, thoải mái, thuận tiện. Tầng trệt ngôi nhà cao tầng thường là không gian để trống do đó chỉ bố trí các thang máy; giữa các cầu thang là giữa khoảng đất trống bằng cỏ xanh đẹp, sạch làm cho người ở trong phạm vi tầm nhìn không cảm thấy là nhà cao tầng bó hẹp không gian, gây cảm giác chật chội mà như đang ở trong một vườn hoa rộng lớn vô tận. Tại đây người ta có thể ngồi hóng mát, nghĩ thư giãn hay tiến
hành các hoạt động giao tiếp thân mật. Trong thảm cỏ rộng rãi này, có xây dựng một số công trình kiến trúc nhỏ xinh để làm điểm chơi cho thiếu nhi hoặc chỗ nghỉ ngơi cho người già. Trong môi trường cảnh quan như thế, không có ô nhiễm, không có tiếng động ồn ào , chỉ có trời cao, mây xanh và gió mát, sự thoáng đãng cùng đất sạch cỏ xanh, không khí trong lành khiến cho con người thoải mái dễ chịu.
- Mọi ngôi nhà có điện nước (nóng lạnh) được cung cấp thường xuyên suốt ngày đêm. Mỗi hộ đều có gara ô tô riêng, có người làm công tác phục vụ quản lý công cộng và riêng biệt. Những gara ô tô ở ngoài nhà được xây dựng bằng gạch lỗ hoa, kiến trúc mỹ quan và được liên kết với cây xanh ở bên ngoài thành một dãi cây xanh hài hòa đẹp mắt. Các chất thải sinh hoạt, các rác rưởi được chứa trong các túi nhựa để sử lý theo từng loại trong khu.
- Bố cục căn hộ trong các căn hộ cao tầng của Singapore rất hợp lý, thường mỗi căn hộ được bố trí 3 đến 4 phòng ở và toàn nhà có hai không gian sử dụng chung (sảnh chung) với diện tích 120 - 140m2. Các phòng có kích thước như sau
+ Sinh hoạt chung 30m2.
+ Phòng bếp 10m2.
+ Phòng ăn 10m2
+ Phòng ngủ chính 20 - 25m2
+ Một, hai phòng ngủ phụ 18 - 20m2
+ Có thể có thêm một phòng cho trẻ nhỏ
- Tương đương với bố cục căn hộ với các phòng như trên được thiết kế các phòng vệ sinh cho các phòng ngủ chính, phụ, phòng ngủ cho trẻ. Diện tích mỗi phòng vệ sinh khoảng trên dưới 10m2. Các phòng đều dùng ánh sáng tự nhiên, sáng của thông thoáng. Mỗi phòng ngủ đều có nhà kho nhỏ (hoặc tủ tường) với diện tích 1 - 2m2. Nói chung bố cục kiến trúc căn hộ khá hợp lý, sử dụng thuận tiện và điều kiện sinh hoạt rất tốt. Kiến trúc nhà ở Singapore xứng đáng để các nhà nghiên cứu kiến trúc và quản lý quy hoạch thành phố ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nó riêng khảo sát, nghiên cứu để học tập thực nghiệm trong điều kiện hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước.
b. Đánh giá quan niệm thiết kế theo đặc trưng khí hậu (Malayxia)
- Những người thiết kế và xây dựng nhà ở cao tầng cần sử dụng các yếu tố khí hậu địa phương làm cho công trình mang những nét đặc trưng riêng của địa phương, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và không tạo ra những cái hộp kín vô hồn có thể đặt bất kỳ nơi nào trên toàn thế giới.
- Trong việc thiết kế nhà ở cao tầng từ trước đến nay để xây dựng hiệu quả kinh tế nó phải có diện tích bên trong lớn nhất cho mỗi tầng, diện tích xây dựng lớn nhất trên diện tích khu đất. Những yếu tố sau đây được xem như tiêu chuẩn đánh giá tính hiệu quả của nhà cao tầng
+ Chiều dài tường bao ngoài nhỏ nhất .
+ Các cấu kiện chịu lực đứng có kích thước nhỏ nhất.
+ Các cấu chịu lực ngang có chiều day nhỏ nhất.
+ Lõi phục vụ (thang máy, vệ sinh...) có diện tích nhỏ nhất.
+ Chiều cao mỗi tầng nhỏ nhất.
- Những tiêu chuẩn trên liên quan tới việc giảm giá thành xây dựng. Khi hiệu quả kinh tế được xem quá mức so với tính thẩm mỹ, tính nhân văn thì tính thẩm mỹ chất thơ của kiến trúc sẽ bị xâm hại không tránh khỏi và công trình chỉ còn là cái vỏ bao che xấu xí không một chút nghệ thuật. Ngược lại nhà ở cao tầng thiết kế theo đặc trưng khí hậu thường bị được cho là làm tăng giá thành xây dựng, chúng ta cần đánh giá lại tổng hợp của quan điểm này, tất nhiên phải kể đến hiệu quả về mặt thẩm mỹ.
- Người ta thường cho rằng việc xây dựng bất kỳ một ngôi nhà cao tầng nào cũng làm tăng nhiệt độ của địa phương trong khi điều này chỉ đúng trong trường hợp nhà được xây dựng như kiểu bình thường. Nhà cao tầng thiết kế theo đặc trưng khí hậu sử dụng ít năng lượng do đó giảm được hơi nóng thải vào môi trường, hơn nữa khuynh hướng thiết kế này gia tăng việc trồng cây xanh trong công trình nên góp phần làm giảm nhiệt độ ở địa phương. Việc thiết kế nhà cao tầng theo quan điểm này có thể giảm 40% chi phí sử dụng năng lượng trong quá trình hoạt động của ngôi nhà, bởi vì phần lớn chi phí là nằm trong quá trình khai thác sử dụng. Đây là lượng tiết kiệm đáng kể ngoài tác dụng tốt đối với cải tạo vi khí hậu còn tạo cân bằng sinh thái, mặc dù nó có làm tăng vốn đầu tư xây dựng ban đầu. Một lý do có thể kể đến là ảnh hưởng của giải pháp đến người sử dụng, công trình sẽ cho hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn đồng thời cho họ cảm nhận được sự biến động môi trường khí hậu bên ngoài, thay vì phải trải qua những giờ làm việc dài trong môi trường nhân tạo, từ năm này qua năm khác.
- Cuối cùng và cũng là lý do chính đáng nhất, nhìn từ góc độ lịch sử loài người và lịch sử xây dựng nơi cư trú, khí hậu là yếu tố ít biến động nhất là một trong những thành
tố cấu trúc địa lý - nhân văn trong khi những yếu tố khác như những điều
kiện kinh tế xã hội, chính trị lại thường xuyên thay đổi. Lịch sử chỉ ra bằng kiến trúc của nơi cư trú. Theo kinh nghiệm và trí tưởng tượng ngày một tăng của loài người, đã tạo ra được nhiều dạng thông minh để đáp ứng với nhiều loại khí hậu. Tổ tiên loài người đã nhận thức được rằng thích ứng với loại khí hậu khu vực là một nguyên tắc quan trọng của kiến trúc mà các thế hệ sau thường không thể không kế thừa.
- Những vấn đề cần quan tâm
+ Hình dáng nhà cao tầng cần đạt được những đặc tính sau Diện tích chân đế nhỏ so với toàn diện tích xây dựng.
Mặt đứng cao trong tương quan tỷ lệ hợp lý với bề rộng chân đế. Diện tích mái nhỏ có hình thức tạo nét riêng độc đáo.
Hệ thống kết cấu đặc biệt có yêu cầu dô được cứng cao, chống gió và động đất tốt.
+ Dựa theo những đặc tính trên khu vực quyết định cho việc thiết kế theo khí hậu là tường bao che bên ngoài (thay vì thông qua mái và mặt cắt ngang như trong nhà ở tầng thấp và trung bình) và vị trí các khu quyết định như lõi phục vụ và các tiện nghi khác của công trình
+ Định vị lõi phục vụ một cách thông minh, hợp lý.
+ Một trong những công việc đầu tiên thiết kế nhà cao tầng thường là định vị lõi phục vụ cho tòa nhà. Có ba vị trí thích ứng là lõi trung tâm, lõi đôi, lõi ở một bên.
+ Lõi phục vụ xem như một khu vực đệm chắn nắng, chống gió lạnh cho các khu phòng ở bên trong , còn cửa sổ phòng thường được mở về hướng Bắc và Nam. Các nghiên cứu đã cho rằng biện pháp này có thể tiết kiệm được 20% công suất năng lượng cho hệ thống điều hòa nhiệt độ. Cách bố trí lõi đôi ở các hướng Đông Tây không những bảo vệ các khu vực thường xuyên có người sử dụng không bị nung nóng (sẽ đòi hỏi sự giảm nhiệt lớn hơn khu lõi phục vụ) đồng thời còn cho phép đưa tối đa lượng nhiệt thừa ra khỏi khu vực sinh hoạt. Ngoài ra phương án lõi có tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên còn có các thuận tiện khác như
Không cần ống chữa cháy có áp lực, áp dụng, giảm được chi phí ban đầu cũng như chi phí hoạt động.
Tạo tầm nhìn ra ngoài và sự thông thoáng tốt hơn cho chỗ ở.
Thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên cho sảnh thang máy, thang thoát hiểm. An toàn hơn khi xảy ra biến cố mất điện hoàn toàn.
Dựa vào những nghiên cứu trên mà hình dáng nhà cao tầng sẽ đa dạng hơn và thoát ra khỏi dạng phổ biến thường đặt lõi ở trung tâm.
+ Tầng trệt sử lý như một không gian mở.
+ Tầng trệt của nhà ở cao tầng cần có sự quan tâm nhiều hơn và được giải quyết không gian thích đáng. Nó cần mở ra không gian bên ngoài dưới dạng một khu vực thông thoáng tự nhiên đặc biệt, không nên đóng kín hoàn toàn hoặc dùng biện pháp điều hòa khí hậu để làm nhiệm vụ như khu vực chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoai công trình, tuy nhiên cũng cần có sự chú ý thỏa đáng để ngăn mưa hoặc tuyết tạt vào. Mối liên hệ giữa tầng trệt với không gian đường phố rất quan trọng. Ở nhiều vùng trên thế giới, sự đóng kín khu vực trung tâm của các tòa nhà với thế giới bên ngoài đã giết chết sự sống động đường phố (dùng điều hòa nhiệt độ). Tòa nhà có tầng trệt mở sẽ thu hút lượng người đến từ đường
phố vào bên trong hoặc đến quanh công trình đông hơn, do đó đường phố
sống động hơn. Thiết kế mặt bằng các tòa nhà cao tầng, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về thương mại cần phải quan tâm đến đặc trưng về lối sống, phương thức làm việc của người dân cũng như đặc thù nền văn hóa địa phương thể hiện trong mỗi cá nhân cũng như ở cả cộng đồng. Những điều này cần được phản ánh trong cấu trúc không gian bên trong của ngôi nhà, từ các bố trí và lối vào và lối thoát, mối liên hệ giao thông, quan hệ qua lại giữa các khu vực, đến hình thức vẻ đẹp bên ngoài của tòa nhà. Không gian hình khối của tòa nhà cần có tính nhân văn, có sức thu hút và tỷ lệ hài hòa, được chiếu sáng tự nhiên, và tổ chức thông thoáng hợp lý cùng một số các yêu cầu khác.
- Tạo ra được không gian chuyển tiếp hợp lý
Sử dụng không gian chuyển tiếp ở các nước nhiệt đới là một cách chống nóng hiệu quả cho nhà cao tầng thế hệ mới. Các không gian này thường được rộng mở ở phía trước các vách chính hoặc che nửa kín nửa thoáng lọc ánh sáng bởi các thiết bị có thể điều chỉnh được. Vị trí các không gian chuyển tiếp có thể là ở nội trung tâm, hay ở mặt ngoài nhà, cần đóng vai trò không gian tiếp nối giữa bên trong và bên ngoài nhà lớn. Có thể tổ chức những lối đi hành lang thông với hoặc xuyên qua các khu chuyển tiếp đó và bằng cách này chúng sẽ hoạt động như những ống dẫn vào khu bên trong của tào nhà cao tầng.
- Tổ hợp mặt đứng phù hợp với đặc thù sinh thái vùng nhiệt ẩm
+ Mái trong nhà cao tầng thường nhỏ và là nơi đặt thiết bị máy móc, do đó khác với ngôi nhà thấp tầng và nhiều tầng, trong tòa nhà cao tầng vai trò của tường bao che quan trong hơn nhiều so với mái nhà lý tưởng của nhà cao tầng vùng nhiệt ẩm nên có cấu tạo nhiệt ẩm nên có cấu tạo bảo đảm chức năng như một lớp bọc vỏ nhạy cảm, hơn là lớp bao che cố định kín, có thể điều chỉnh đóng mở thích hợp phục vụ cho thông thoáng cũng như chống nắng mưa rất hiệu quả. Chúng ta cần thiết kế sao cho gió tươi có thể thổi vào các tầng và khi cần thiết có thể che nắng cách nhiệt, gió bão được.
+ Thông thoáng tự nhiên tốt hướng tới có thể thay cho biện pháp dùng điều hòa nhiệt độ nhân tạo, vì thế tốt nhất cửa sổ được mở toàn bộ ở cả hai mặt tường đầu gió và cuối gió với những thiết kế điều chỉnh cơ động để có thể vừa hướng luồn gió theo hướng cần thiết khi hướng gió thay đổi vừa có thể tạo phòng kín khi cần.
+ Lý tưởng nhất là các khoảng mở cửa sổ càng lớn càng tốt, nhưng vì vận tốc lớn của gió ở các tầng trên cao làm cho điều này không thể thực hiện được. Cần thấy được hoạt động và ảnh hưởng xấu của gió rất khác nhau khi càng di chuyển lên cao. Vì vậy nếu định dùng thông gió tự nhiên (cho sảnh thang máy, thang bộ, khu vệ sinh...) thì có những hệ thống đóng mở, cấu tạo an toàn khác nhau cho những cửa ở độ cao khác nhau. Mái cũng như tường nhà cao tầng ở những nơi không được che mát nên dùng vật liệu cách nhiệt hiệu quả cao với bề mặt bên ngoài có khả năng cao về phản xạ nhiệt. Những mặt tường trực tiếp chịu nhiều nắng (đặc biệt là hướng Đông và Tây) nên được che nắng và được thiết kế" hai lớp" với một lớp mỏng không khí được thông gió ở giữa. Để đạt được vật liệu bao che có hiệu quả cao còn cần lưu ý nhiều đến tính phản xạ nhiệt hơn là tính cách nhiệt, đặc biệt là đối với những vùng khí hậu nóng. Cách tốt nhất để giảm năng lượng tiêu thụ bên trong công trình là tìm tăng cường cách nhiệt cho tường, mái và giảm diện tích sử dụng vật liệu kính ở tường ngoài nh. Để giảm sức nóng của mặt trời qua cửa sổ ở các mặt tường chịu nắng, ta có thể dùng tấm che nắng hay ban công, cũng có thể đưa cửa sổ lùi vào sâu bên trong hoặc mở cửa quay vào sân trong rộng lớn, đặc biệt là do các tầng trên cao. Bên cạnh việc tạo bóng mát, sân trong còn có tác dụng như lối thoát khẩn
cấp,như nơi để trồng cây xanh tạo phong cảnh đẹp cho người sử dụng
thưởng thức bên ngoài sát căn hộ hoặc như một không gian cơ động mềm dẻo phục vụ cho nhu cầu mở rộng diện tích hoặc tạo thêm một số phòng phụ nếu có yêu cầu trong tương lai.
+ Tổ hợp mặt đứng nhà cao tầng thường có hiệu quả về nhịp điệu, tương phản, vi biến, được khai thác và tạo lập theo chiều đứng, trong đó kiến trúc mái có vai trò rất quyết định để tạo nên dáng dấp độc đáo của tòa nhà.
+ Tăng việc trồng cây xanh và vườn cây theo chiều đứng
+ Việc trồng cây xanh ở mặt tiền, tổ hợp các ban công, sân trong của tòa nhà vừa có thể mang lại vẻ độ đáo thẩm mỹ, tính hấp dẫn sinh động cho vẻ ngoài công trường vừa tiết kiệm năng lượng cũng như tác dụng tốt cho vi khí hậu nội thất. Cây xanh tạo bóng mát làm giảm phản xạ nhiệt cũng như độ chói của tường ngói. Để đáp ứng nhiều ý thích khác nhau, cây xanh nên trồng nhiều loại xen kẽ trong một hệ thống các bồn cây phân bố trên toàn mặt đứng công trình tạo thành chuỗi vườn theo chiều đứng nối kết liên hoàn với cây xanh dưới mặt đất. Công trình và vườn cây tạo thành một thể thống nhất.
- Tóm lại
+ Khí hậu nơi xây dựng theo quan điểm "thiết kế theo đặc trưng khí hậu" phải được tính đến ngay trong bước đầu quyết định ý đồ thiết chung của một dự án, từ sự bố trí và định hướng công trình, đến hình dáng và đặc tính của kết cấu. Sẽ là không thiết kế nếu từ lần đầu tiên thiết kế một công trình mà chỉ quan tâm về kinh tế, công năng, phong cách, sau đó lại mong chờ nó mang lại một chế độ vi khí hậu bên trong tốt. Nếu thiết kế đã không chính xác, không đạt tất cả các mặt, thì không một chuyên gia nào có thể điều chỉnh để cho nó trở nên tốt được.
+ Các đề nghị định hướng ở đây như là những nguyên tắc thuận lợi cho việc khởi đầu nói chung của một thiết kế. Chúng cũng nên được xem như một phương án hiệu quả trong việc thiết kế nhà cao tầng ở vùng có khí hậu nóng ẩm.Người ta có thể lập phương cách này rồi cũng sẽ đưa đến một dạng đô thị kiến trúc đơn điệu giống như phong cách" hiện đại quốc tế" vốn đang bị phê phán. Nhưng do tính đa dạng của khí hậu cũng như tính riêng biệt của từng địa điểm xây dựng, kiến nghị định hướng của TS Ken Yeang đưa ra hội nghị các kiến trúc sư châu Á (Jacarta - 1996) trình bày trên đây hứa hẹn sẽ đưa đến những dạng công trình cao tầng hoàn toàn rất đa dạng và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái,và đến lượt mình" thiết kế theo đặc trưng sinh - khí hậu" sẽ còn tạo ra những khả năng rất lớn về vẻ đẹp ngôn ngữ kiến trúc mới của công trình. Ý tưởng thiết kế nhà cao tầng theo đặc trưng khí hậu có dẫn tới sự thay đổi từng bước trong thái độ của người sử dụng và sự yêu thích được làm việc trong một môi trường "tự nhiên" (hoặc một phần tự nhiên) thay cho môi trường" nhân tạo - kỹ trị".
+ Một số giải pháp thiết kế theo đặc trưng khí hậu theo nhà chung cư cao tầng còn một số dạng đặc biệt khác đang hướng tới như
Tạo ra những sân nắng, lôgia cạnh khu sinh hoạt chung của gia đình.
Tạo ra những sân trời cho từng căn hộ. Mái tầng dưới là sân trời của tầng trên.
Tạo ra các vườn trong các nhà tháp bằng việc các nhà phía dưới tận dụng thiên nhiên cây xanh ngay mặt đất, các tầng nóc (3 - 4 tầng trên cùng) được tận dụng thiên nhiên cây xanh tổ chức ở trên sân thượng, trong khi đó các tầng giữa của ngôi nhà thì khai thác sử dụng các vườn treo.
c. Ví dụ về công trình nhà Menara Mesiniaga (Kuala Lumpur, Malaysia)
Hình 41: Công trình Menara Mesiniaga (Kuala Lumpur, Malaysia)
Xây dựng năm 1989 (KTS Ken Yeang). Ngôi nhà tháp 15 tầng với 12.000m² này, mang trong nó những nguyên lý khí hậu sinh học, nằm ở Selangor, nó như cây cảnh thẳng đứng, bao gồm mặt chính của nhà và các sân trời. Ở nhà này việc trồng cây được bắt đầu từ mặt đất dốc cao dần lên ở một phía nhà. Sau đó cây trồng leo theo đường xoắn ốc lên mặt đứng của nhà với việc sử dụng các mái hiên thụt vào như các sân trời. Cũng có một vài dạng năng lượng giảm hấp thụ như tất cả các khu vực cửa sổ ở phía có khí hậu nóng của ngôi nhà (phía Đông và Tây) đều có các tấm chắn nắng bên ngoài để giảm sự xâm nhập của nắng nóng vào không gian nội thất. Những mặt không bị nắng trực tiếp (hướng Bắc và Nam) có các vách ngăn bằng kính để dễ quan sát và tạo điều kiện thuận lợi cho thông gió tự nhiên. Sảnh thang máy ở tất cả các tầng đều được thông gió tự nhiên, chiếu ánh sáng ban ngày và có không gian để quan sát cảnh bên ngoài nhà. Công trình
không cần điều áp để phòng hoả, vì dung năng lượng thấp. Toàn bộ cầu
thang và khu vực các buồng vệ sinh cũng được thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Mái che nắng có các khoảng panel để lắp pin mặt trời, nhằm cấp nguồn ngăn lượng cho các tầng phía dưới. B.A.S (hệ thống tự động trong nhà) và các khí cụ thông minh khác được dùng để giảm tiêu phí năng lượng trong thiết bị và hệ thống điều hoà không khí.
5.2.2 Xu thế phát triển kiến trúc chung cư nhiều tầng và cao tầng trên thế giới
- Trong những hội nghị quốc tế gần đây về xây dựng đô thị đều nổi bật lên vấn đề bùng nổ dân số ở các thành phố. Riêng ở các nước vùng nhiệt đới và các nước chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng dân số còn mạnh mẽ hơn bao giờ, ở cả thành phố lẫn nông thôn.
- Trong khi giải quyết những vấn đề nhà ở và xây dựng thành phố ở các nước thế giới thứ ba thuộc vùng nhiệt đới, bất cứ một loại hình kiến trúc nào được tạo ra đều cố gắng hướng đến khả năng cho phép chủ nhà có thể tự tổ chức không gian ở theo cách riêng của mình, phù hợp nhiều nhất với điều kiện khác nhau về ý thích và hoàn cảnh. Một trong các đề xuất quy hoạch tổ chức khu ở thành phố của một số kiến trúc sư nổi tiếng thế giới là nâng cao mật độ cư trú bằng cách áp dụng rộng rãi kiểu nhà ở nhiều tầng, cao tầng, kết hợp đan xen với nhà ở thấp tầng mật độ cao (khoảng 20-30%).
- Đi đôi với việc kiến tạo những khu đô thị mới ở vùng ven đô, người ta đã bằng mọi cách làm giảm bớt mức tập trung dân số ở khu trung tâm để giải toả những sức ép đã quá tải ở đây. Trước tiên bằng cách xóa bỏ những khu ổ chuột để thay thế bằng các không gian cây xanh, hồ nước, quảng trường tạo được những lá phổi - khoảng xanh nho nhỏ trong nội thành. Ở khu vực trung tâm cũng sẽ xen cấy các công trình cao tầng với mật độ hạn chế, có tính đến môi trường vi khí hậu lành mạnh. Đây cũng là một kinh nghiệm quý như trong thời kỳ đầu đô thị hoá phát triển đã phải tính đến ngay sự giữ gìn môi trường sạch cho khu trung tâm. Đồng thời các căn nhà hàng phố truyền thống cũng cần được khôi phục để giữ được nét riêng di sản kiến trúc ở mặt phố, khống chế độ cao, khôi phục các khoảng sân trong, tạo các mặt hồ, khoảng cây xanh rộng để lấy gió mát tạo cảnh quan mới cho toàn mặt phố... Các chung cư cao tầng có hình khối lớn nên nằm lùi xa mặt đường để cho ta hình ảnh của sự cộng sinh trong phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu vệ sinh và sự không ngừng tăng trưởng của khối dân cư ở đây.
5.2.3 Nhà chọc trời hướng tới lý thuyết thiết kế đô thị theo chiều hướng đứng ở châu Á
- Ngày nay, trên khắp thế giới dưới áp lực của việc tăng giá đất, dân số đô thị tăng nhanh, sự hòa nhập nền kinh tế thế giới đã dẫn đến việc xây dựng nhà cao tầng trở thành một thực tế không thể tránh được. Vấn đề cần quan tâm ở đây là khi thiết kế phải có sự xem xét chặt chẽ về vị trí, quy hoạch chiều cao. Tất nhiên người ta thường ủng hộ khuynh hướng xây dựng những khu trung tâm với những công trình thấp và vừa thay vì nhà cao tầng vào khu trung tâm cũ, nhưng trong hầu hết các trường hợp các quốc gia thường không đủ khả năng tài chính cho việc này. Hơn nữa việc rời trung tâm cho việc đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng hiện hữu là lãng phí tài nguyên.
- Ủy ban nhà cao tầng và nhà đô thị xem những công trình cao hơn 10 tầng là nhà ở cao tầng. Do kích thước nhà ở cao tầng đòi hỏi đặc biệt cho việc hoạt động của các hệ thống kết cấu, cơ khí, điện, nước. Tất cả các yếu tố này làm cho nhà cao tầng trở lên một dạng khác. Vì thế khi thiết kế phải tiến hành rất cẩn thận ngay từ những bước đầu vì nếu để sai sót thì việc tiến hành điều chỉnh sẽ khó khăn hơn nhiều so với những công trình có độ cao thấp hay trung bình.
- Có hai yếu tố trong việc thiết kế được đề nghị xem xét ở đây
+ Một là không gian của nhà cao tầng được sử dụng bởi rất nhiều người với nhiều mục đích chức năng khác nhau, cần được xem giống như trong một thành phố (chỉ khác nó phát triển theo chiều cao).
+ Hai là sự đáp ứng của nó với môi trường, khí hậu nơi công trình được xây dựng cần đạt mức như là một thiết kế để nâng cao chất lượng sống cho căn hộ và hạ giá thành công trình.
- Ta cần nhận thức rõ thêm hai vấn đề cấn lưu ý để đạt được các mong muốn trên
- Hay còn thiếu những tiêu chuẩn thiết kế thỏa đáng, nhà cao tầng xuất hiện ở Chicago - Mỹ vào thập niên 1890 và sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Từ đó đến nay thiết kế nhà ở cao tầng cả kiến trúc lẫn kết cấu đều có những tiến bộ đáng kể (số tầng cao ngày một nhiều hơn, có những cải thiện to lớn ở môi trường bên trong công trình như hệ thống điện và điện lạnh tốt hơn). Tuy nhiên so với mặt kỹ thuật, thiết kế nhà ở cao tầng chưa có được những nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc thiết kế nhà ở cao tầng đạt mức cần thiết tương ứng với trình độ khoa học kỹ thuật.
- Nhà ở cao tầng cần được xem như một thành phố nhỏ theo chiều đứng, nhà ở cao tầng không nên chỉ được xem đơn giản là một loạt những cái khay bêtông chồng lên nhau, nơi mà người sử dụng phải trải qua phần lớn thời gian trong ngày của họ trong một môi trường nhân tạo không hề thay đổi , không có được niềm vui hưởng thức thiên nhiên bên ngoài cũng như sự thay đổi thời khắc của các mùa trong năm. Trong các thành phố bình thường người dân đô thị luôn được tạo thoải mái bằng những không gian dàn trải mở, với công viên, những hoạt động văn hóa và dịch vụ. Nhà ở cao tầng cũng là một thành phố thu nhỏ nên cần được quan tâm cả hai mặt môi trường, không gian hoạt động và yếu tố đặc thù của nó là phát triển theo chiều đứng để có tiện nghi đời sống tương đương như thành phố dàn trải theo chiều ngang.
5.2.4 Một số bài học kinh nghiệm và những vấn đề cần hướng tới trong tương lai
a. Một số bài học kinh nghiệm
- Trong ba thập kỷ từ 1930 đến 1990, những nguyên tắc “sinh - khí hậu" tối thiểu đều bị bỏ qua xây dựng. Sự phát triển dày đặt, tự phát trong các khu phố thời kỳ đó không có gì minh hoạ rõ hơn hình ảnh của những quần thể lộn xộn, tốn kém chất lượng, làm nghèo môi sinh tự nhiên và môi trường văn hoá.
- Hồng Kông là khu vực phát triển sớm nhất Châu Á, có những kinh nghiệm rõ ràng về sự phát triển các thành phố ít hiệu quả về tổ chức không gian, hiểu theo nghĩa đã đánh mất bản tính riêng biệt về khí hậu, truyền thống văn hoá. Kiểu tổ chức đô thị du nhập từ Mỹ với các toà nhà tháp chọc trời chen chúc đã có những kết luận “nó là những cái hộp giống hệt nhau từ Tây sang Đông”, đã phá vỡ sự liên kết vốn có giữa con người với thiên nhiên và con người với con người.
- Khu Bắc Hồng Kông.(Island) là ví dụ điển hình về sự khai thác đất đai tối đa cho các nhà kinh doanh đô thị này. Toàn bộ diện tích được phủ kín các nhà tháp với xu hướng chen lấn ra biển, đã che lấp hoàn toàn gió mát từ đại dương. Khoảng cách giữa các tháp quá nhỏ tạo thành các khe hở tối tăm cho người đi bộ, kết quả là cư dân cư trú từ tầng 10 trở xuống không nhận được ánh sáng mặt trời lọt tới. Toàn bộ các khu nhà này đều phải dùng điều hoà nhiệt độ và chiếu sáng nhân tạo, đã thải ra một lượng khí độc hại khổng lồ cho thành phố và cư dân quanh vùng bởi hiệu ứng lồng kính của kỹ thuật điều hoà không
khí, cộng với sự mất vệ sinh do sự sinh sản nhanh chóng các loại ký sinh trùng khi môi trường thiếu ánh sáng mặt trời.
b. Những vấn đề cần quan tâm cho nhà ở trong tương lai
- Những năm gần đây, kiến trúc được xem như là một sản phẩm to lớn nhất mà loài người có thể sản sinh với cả ý nghĩa về quy mô các đô thị và sức mạnh tinh thần của nó, nhất là khi con người bước vào thiên niên kỷ thứ ba với ý thức rõ ràng hơn về tương lai - kiến tạo một hành tinh chung với sự thúc đẩy của thông tin, giao thông cao tốc và năng lượng mới... đồng thời bảo toàn được tính đa dạng của văn hoá làm nền tảng cho tính độc đáo của mỗi dân tộc, cộng đồng và cá nhân. Hơn bao giờ hết, vấn đề kiến trúc trong mối quan hệ ràng buộc tự nhiên vào môi trường sinh thái và khí hậu lại trở nên cấp thiết đến như vậy. Không ít các nhà chuyên môn kêu gọi một nền kiến trúc mới bảo đảm các nguyên tắc phát triển bền vững bằng mô hình mới của đô thị và khu cư trú, bảo đảm sự quan hệ hài hoà trong mối quan hệ con người - xã hội - thiên nhiên.
- Một nền kiến trúc có tương lai là một nền kiến trúc khai thác những yếu tố truyền thống về lối sống hài hoà với môi trường, khí hậu. Bản sắc, lối sống của văn hoá đặc thù là chưa đủ, mà còn cần phải khai thác được các chất liệu tương lai trong sáng tác của kiến trúc sư. Đó là sự tổ chức các hình thức đô thị mới trên cơ sở các công nghệ sạch được phát triển trên nguyên tắc hài hoà và tái tạo lại môi trường thiên nhiên, bảo đảm được lối sống cân bằng giữa các nhu cầu mới của loài người mà vẫn còn tôn trọng các giá trị văn hoá, đạo đức. Những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt với châu Á nói chung và với Đông Nam Á nói riêng khi mà sự tăng trưởng kinh tế đi trước nhiều so với các chính sách quy hoạch, còn trong quản lý đô thị thì tình trạng đô thị hoá ngẫu nhiên, thiếu kiểm soát và bất hợp lý vẫn là không tránh khỏi, với hậu quả lâu dài khó cứu vãn.
- Chúng ta hãy cùng nghiên cứu một số giải pháp quy hoạch, bố cục, tổ hợp không gian và thẩm mỹ của một số công trình kiến trúc tiêu biểu, đã được xây dựng và sử dụng ở miền nhiệt đới nói chung với mong muốn tìm hiểu các mô hình thích hợp cho sự phát triển đô thị nhiệt đới, phù hợp với môi trường sinh thái, địa lý, khí hậu Đông Nam Châu Á. Chỉ trên cơ sở thấy được tầm quan trọng của các giải pháp kiến trúc có sự khuyến khích đề cao loại cấu trúc nhạy cảm với môi trường sinh thái và khí hậu, chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng được các mô hình đô thị bền vững cho tương lai.
- Từ những năm 1990 nhận thấy những bài học không thể sửa chữa được trong các khu phố đó với thẩm mỹ quan lệch lạc của loại kiến trúc dập khuôn phương Tây lấy kỹ thuật làm sức mạnh. Hồng Kông đã mạnh dạn đặt lại vấn đề có tính nguyên tắc của các nhà tháp (vẫn là loại nhà chủ lực trong thời kỳ mới bởi sự quá khan hiếm đất đai ở đây). Ví dụ như tổ hợp kiến trúc khu nhà tháp mới Shatin đã đưa ra những bố cục có lợi nhất cho khí hậu, ánh sáng cho từng khối nhà, gần như bị khống chế bởi những độ cao như nhau (đã giảm nhiều so với trước) như các nhà tháp nằm xung quanh sân vườn rộng gồm vườn cây xanh để đi dạo, các công trình dịch vụ thấp tầng, các cánh nhà được mở ra với sân trời để hưởng không khí trong lành. Tối thiểu là quy hoạch này cũng bảo đảm những nguyên tắc cơ bản nhất đó là chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên phù hợp với khí hậu nhiệt đới gay gắt. Tuy nhiên phải thấy rằng bản thân từng khối tháp vẫn chưa được chú ý xử lý tốt về hướng gió, nắng chủ đạo.
- Các bố cục chia khối hình chữ Y, chữ thập đường như bất chấp hướng nắng, gió đã nói lên sự phụ thuộc vào máy điều hoà. Chính những đặc điểm này cũng tạo nên quy hoạch mặt đứng rất khó chấp nhận, mà người dân Malaysia hầu như đã quá nhàm chán
(chủ nghĩa quốc tế) vì không hợp với cả khí hậu lẫn văn hoá địa phương. Vì
vậy, trước tình hình đó, từ năm 1980 trở về đây, tiến sĩ kiến trúc sư Ken Yeang (Malaysia) và công ty của ông phấn đấu không mệt mỏi để duy trì việc thiết kế các nhà ở cao tầng trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ giữa kiến trúc và sinh thái. Trong điều kiện phát triển kinh tế nhanh chóng của xã hội Malaysia, các toà nhà cao tầng chiếm một vai trò quan trọng trong cơ cấu đô thị. Ông đã tìm đến cấu trúc nhạy cảm với khí hậu và văn hoá truyền thống thông qua hơn 200 chi tiết kiến trúc, mà theo ông nó đóng vai trò quan trọng trong mối liên hệ mật thiết của nhà cao tầng với môi trường nhiệt đới nóng ẩm. Đó là một thành công không nhỏ. Kiến trúc sinh thái theo ông phải “tính đến những ảnh hưởng sâu rộng đôi khi có hại là quá trình đô thị hoá tác động rất xấu vào môi trường thiên nhiên. Kiến trúc sinh thái phải được phát triển không chỉ để bảo đảm sự bảo tồn những gì cần để lại, mà còn phải bảo đảm sự tồn tại lâu dài của sinh quyển và hành tinh như một tổng thể hài hoà”. Cũng có phần giống như ở Việt Nam về đặc trưng nóng ẩm (tính ẩm có phần gay gắt hơn), nhà ở nông dân truyền thống của Malaysia thường dùng các bức tường như bộ phận trợ giúp cho việc thông hơi thoáng gió, các kiểu mái tranh, mái đan bằng tre nứa chống chói và lọc bức xạ, và đó chính là những yếu tố đem lại cảm hứng trong sáng tác kiến trúc của ông. Ông đã nghiên cứu lý thuyết và đưa ra các giải pháp kiến trúc nhà cao tầng có khả năng tác động qua lại giữa kiến trúc với môi trường xung quanh, nhờ vào sự xác định hướng gió, nắng, các kiểu mái hắt, các cách thông gió tự nhiên... tất cả được khái quát hoá những biến thể mở rộng vào các giải pháp kiến trúc có tính “sinh - khí hậu" của các nhà tháp ở Malaysia. Sự thử nghiệm đầu tiên chính là ngôi nhà “mái chồng mái” mà ông tự xây dựng cho mình năm 1983. Quan niệm thiết kế của ông là coi nó như một hệ thống rào chắn (bằng hệ thống tường như những tấm lọc môi trường) bao quanh không gian sử dụng bên trong, tạo cho ngôi nhà như một tế bào sống trong khung cảnh thiên nhiên bao chứa nó. Các không gian chính quay ra hướng Bắc - Nam. các phòng khách và sinh hoạt còn mở rộng về phía Đông để quay ra bể bơi nhằm đón luồng gió Đông Nam đã được làm mát bởi hơi nước, đã làm thay đổi vi khí hậu trong các phòng khách lớn.
Các tấm tường lớn được thiết kế như một hệ thống rèm trượt, panen đặc, panen kính, cửa chớp lật (được phân chia làm nhiều lớp có thể di chuyển cơ động linh hoạt) được dùng để điều khiển vi khí hậu theo sự thay đổi tương ứng của môi trường vĩ mô.
Độc đáo nhất là ngôi nhà có thêm bốn lớp mái “kiểu đan phên” truyền thống, nhưng được đổ liền khối bằng lớp bêtông cốt thép, phủ lên toàn bộ mái bằng với các sân, hiên, bể bơi phía dưới. Ý tưởng của tác giả muốn dùng mái phụ đó để lợi dụng các yếu tố có lợi như tăng độ mát của làn gió thổi qua bể bơi tới các tầng nhà.
Từ ngôi nhà đầu tiên đó, những năm về sau ông đã thành công trong sự nghiệp thiết kế nhà cao tầng ở vùng nhiệt đới nóng ẩm với hàng loạt các nhà tháp: trung tâm thương mại IBM, nhà tháp quảng trường Atrium, nhà tháp Menara Mesiniaga, trung tâm thương mại Central, văn phòng Budaya... (Kualua Lumpur) và số lớn các nhà cao tầng ở Trung Quốc. Năm 1989 Ngôi nhà 15 tầng Menara Mesiniaga đưa vào sử dụng đã khẳng định những nguyên tắc thiết kế của Yeang về kiến trúc sinh - khí hậu và đã được coi như một mẫu mực phát triển đúng đắn của kiến trúc cao tầng Đông Nam Á (theo đánh giá của phương Tây). Ngoài việc đặt hướng nhà sao cho các phòng sử dụng đón được hướng gió tốt (Nam, Đông Nam), các khu vệ sinh và thang nằm ở góc Đông và Tây, ông còn tiến thêm một bước trong ý đồ thiết kế tạo lập một môi trường sinh thái tự nhiên (như một phần của tổng thể địa phương) bao quanh ngôi nhà. Những phần luôn được che nắng bởi
bóng đổ của ngôi nhà đã khuyến khích đời sống tự nhiên phong phú của hệ
động vật địa phương phát triển. Ngôi nhà cũng sử dụng một loạt các giải pháp truyền thống khi xử lý các khoảng sân trời bán mái trong các tầng, cấu tạo lớp tường kép bằng tấm cách nhiệt ở hướng Đông và Tây, sáng tạo mái đan phên chống bức xạ có thể tự di động theo đường mặt trời... Các điều kiện khí hậu lý tưởng đạt được trong các phòng sử dụng không cần đến hệ thống điều hoà đã khiến ngôi nhà này được coi là “Mô hình của chủ nghĩa hiện đại nhiệt đới đáng tin cậy về mặt môi trường” (Clifford - nhà bình luận kiến trúc người Anh).
Hình 42: Công trình nhà ở tại Việt nam
- Ở Việt Nam, nói chung là nhà ở cao tầng chưa phát triển nhiều, mức độ đáp ứng của nó cho nhu cầu ở tại các đô thị còn thấp , mới có ở một số ít ở thành phố (Hà Nội, Hồ
Chí Minh). Việc đưa dân cư vào sống trong các nhà ở cao tầng mới chỉ là
giai đoạn bắt đầu thí điểm ở Việt Nam. Trong khi đó ở các nước ngay trong khu vực Đông Nam Á, nhà ở cao tầng mọc lên như nấm, phát triển rất nhanh. Đấy là điều kiện tốt để Việt Nam học hỏi và tham khảo.
5.2.5 Xu hướng phát triển của nhà khối ghép tại Việt nam
- Trong khoảng thời gian những năm 1980-1990 các căn hộ khối ghép xây dựng một cách tự phát, thiết kế rất sơ lược đơn giản chủ yếu chỉ để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu tạm thời trước mắt về chỗ ở. Các căn hộ thường hai tầng, chưa chú ý đến vẻ đẹp tổng thể cũng như của từng căn hộ. Diện tích sử dụng của các căn hộ thậm chí không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tối thiểu dẫn đến tình trạng cơi nới, chắp vá gây ảnh hưởng đến mỹ quan chung của ngôi nhà.
- Sau năm 1990, kinh tế xã hội bước đầu thoát khỏi khủng hoảng. Thu nhập bình quân đầu người tăng, chất lượng cuộc sống ngày càng được chú ý hơn. Ngôi nhà không còn chỉ là chỗ trú chân, văn hoá ở trở thành một nhu cầu thiết yếu cho mọi gia đình. Trào lưu mua đất xây nhà bùng nổ do điều kiện sinh hoạt trong các chung cư không đáp ứng được cuộc sống hiện đại. Bộ mặt hè phố thay đổi từng ngày, các khu dân cư mới ngày càng mở rộng. Gắn liền với nó là những kiểu nhà biệt thự hay chia lô được xây dựng ồ ạt và tự phát, thiếu một quy hoạch tổng thể chung. Ai cũng muốn có một căn nhà theo sở thích riêng dẫn đến sự sao chép tuỳ tiện những hình thức chi tiết kiến trúc mà họ cho là “đẹp” nhưng trên thực tế lại rất “kém thị hiếu”. Tổng thể chung khu ở, đường phố trở nên lộn xộn trái ngược với mong muốn của công chúng.
- Trong tình hình đó, xây dựng nhà khối ghép với những ưu điểm vốn có của nó trở nên rất thích hợp với nhiều đối tượng gia đình.
- Nhà khối ghép đã trở thành xu hướng chủ đạo không chỉ ở vùng ven đô, thị trấn, thị xã mà ở cả thành phố du lịch, khu nghỉ mát. Ở nước ngoài (Mỹ, Thái Lan, Malaysia...) dễ dàng bắt gặp khắp nơi những nhà khối ghép đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, kiểu cách sang trọng và rất thời thượng (cho cả tầng lớp thượng lưu), được phối hợp hài hoà độc đáo với các khối mảng cây xanh của nhà vườn - biệt thự, với hình khối kiến trúc các nhóm quần thể chung cư nhiều tầng và cao tầng, tạo nên cảnh sắc, bóng dáng đô thị vui mắt sinh động và đầy sức hấp dẫn và hiện đại...
- Tìm kiếm các dạng nhà ở thấp tầng liên kế mật độ cao (có sân trong) để nâng cao mật độ cư trú, hệ số sử dụng đất nằm mở rộng hơn nữa phạm vi áp dụng nó trong đô thị cũng là một hướng phát triển được nhiều nước chú ý những thập kỷ gần đây.
Nhà khối ghép ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở cho người dân Hà Nội, nâng cao điều kiện sống cho mọi người, mọi nhà. Nhà khối ghép trở thành một yếu tố không thể thiếu trong những loại hình nhà ở. Tất nhiên còn phải qua thực tế sàng lọc. Mong rằng chúng ta sẽ có những căn nhà khối ghép phù hợp hơn trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét