Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng : Mục 2 QUẢN LÝ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH



  Điều 33. Nội dung quản lý thi công xây dựng công trình
  Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm:
  1. Quản lý chất lượng xây dựng công trình;
  2. Quản lý tiến độ xây dựng thi công xây dựng công trình;
  3. Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình;
  4. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng;
  5. Quản lý hợp đồng xây dựng;
  6. Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng;
  Điều 34. Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình
  1. Công trình xây dựng trước khi triển khai phải có tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình do nhà thầu lạp phải phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án được chủ đầu tư chấp thuận.
  2. Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.
  3. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
  4. Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án.
Điều 35. Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình
1. Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo khối lượng của thiết kế được duyệt.
2. Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.
3. Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý. Riêng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình làm vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định.
Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình.
4. Nghiêm cấm việc khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán.  
Điều 36. Quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng
1. Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận.
2. Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.
3. Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi phát hiện có vi phạm về an toàn lao động thì phải đình chỉ thi công xây dựng. Người để xảy ra vi phạm về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 
4. Nhà thầu xây dựng có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn lao động. Đối với một số công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người lao động phải có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động. Nghiêm cấm sử dụng người lao động chưa được huấn luyện và chưa được hướng dẫn về an toàn lao động.
5. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng lao động trên công trường.
6. Nhà thầu thi công có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động như sau:
a) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp đến dưới 50 người thì cán bộ kỹ thuật thi công có thể kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
b) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp từ 50 người trở lên thì phải bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
c) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp từ 1000 người trở lên thì phải thành lập phòng hoặc ban an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí tối thiểu 02 cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn cần được bố trí phù hợp với quy mô công trường, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường cụ thể.
d) Người làm công tác chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 53 Nghị định này.
Bộ Xây dựng quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong xây dựng.
Điều 37. Quản lý môi trường xây dựng
1. Nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh, bao gồm có biện pháp chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải và thu dọn hiện trường. Đối với những công trình xây dựng trong khu vực đô thị, phải thực hiện các biện pháp bao che, thu dọn phế thải đưa đến đúng nơi quy định.
2. Trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
3. Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trường hợp nhà thầu thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có quyền đình chỉ thi công xây dựng và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường.
4. Người để xảy ra các hành vi làm tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Điều 38. Quản lý các công tác khác
1. Quản lý chất lượng xây dựng công trình:
Việc quản lý chất lượng xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của Nghị định này và Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của Nghị định này và Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
3. Quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng:
Việc quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo quy định của Nghị định này và Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Điều 39. Phá dỡ công trình xây dựng
1. Việc phá dỡ công trình, bộ phận công trình xây dựng được thực hiện trong những trường hợp sau đây:
a) Giải phóng mặt bằng;
b) Công trình có nguy cơ sụp đổ gây nguy hiểm cho tính mạng con người và công trình lân cận;
c) Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng theo quy định tại Điều 12 Luật Xây dựng;
d) Phần công trình xây dựng hoặc toàn bộ công trình xây dựng sai với quy hoạch xây dựng, sai với giấy phép xây dựng;
đ) Xây dựng lấn chiếm đất công; đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
e) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Có quyết định phá dỡ;
b) Có phương án phá dỡ theo quy định;
c) Bảo đảm an toàn cho người và công trình lân cận;
d) Bảo đảm vệ sinh môi trường;

đ) Việc phá dỡ phải được giám sát để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra.
Share on Google Plus

About Xinh Blog

Đây là 1 website thiết kế kiến trúc nhà ở tổng hợp từ nhiều nguồn, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét