Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng : Chương III THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG Mục 1 KHẢO SÁT XÂY DỰNG, THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH




          Điều 23. Thực hiện khảo sát xây dựng
  1. Chủ đầu tư lập hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực lập nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát trình chủ đầu tư phê duyệt.
  2. Phương án kỹ thuật khảo sát được phê duyệt là cơ sở để chủ đầu tư đàm phán ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện công tác khảo sát xây dựng.  
  3. Nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, nội dung của báo cáo kết quả khảo sát phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các Điều 74, 75 Luật Xây dựng.
  4. Công tác triển khai thực hiện khảo sát, giám sát, nghiệm thu công tác khảo sát được thực hiện theo quy định tại Nghị định về Quản lý chất lượng công trình xây dựng. 
  5. Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, các bước thiết kế xây dựng công trình
        Điều 24. Các bước thiết kế xây dựng
1. Thiết kế xây dựng công trình gồm các bước: thiết kế sơ bộ (trường hợp lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án.
2. Dự án đầu tư xây dựng gồm một hoặc nhiều loại công trình, mỗi loại công trình có một hoặc nhiều cấp công trình. Tùy theo loại, cấp của công trình và hình thức thực hiện dự án, việc quy định thiết kế xây dựng công trình một bước, hai bước hoặc ba bước do người quyết định đầu tư quyết định khi phê duyệt dự án hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, cụ thể như sau:
a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công được áp dụng đối với công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình;
b) Thiết kế hai bước được áp dụng trong trường hợp quy định phải lập dự án đầu tư xây dựng gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
c) Thiết kế ba bước được áp dụng trong trường hợp quy định phải lập dự án đầu tư xây dựng gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
3. Trường hợp chủ đầu tư không có đủ năng lực thì thuê tổ chức tư vấn thiết kế có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để lập thiết kế. Đối với trường hợp thiết kế ba bước, nếu nhà thầu thi công xây dựng có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thì được phép thực hiện bước thiết kế bản vẽ thi công.
4. Đối với trường hợp tổng thầu EPC, tổng thầu chìa khóa trao tay có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thì được phép thực hiện thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 80 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định dự án thiết kế kỹ thuật, dự toán trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I; công trình do Thủ tướng Chính phủ giao và các công trình thuộc dự án do mình quyết định đầu tư; Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tham gia ý kiến trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của mình;
b) Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuât, dự toán trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình cấp II trở xuống, trừ các công trình quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;
2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán:
a) Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước.
b) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế ba bước.
Điều 26. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách nhà nước
1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 80 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định dự án thiết kế kỹ thuật, dự toán trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I; công trình do Thủ tướng Chính phủ giao và các công trình thuộc dự án do mình quyết định đầu tư; Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tham gia ý kiến trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của mình;
b) Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuât, dự toán trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình cấp II trở xuống, trừ các công trình quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;
c) Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư.
d) Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định phần thiết kế công nghệ, dự toán phần công nghệ và các nội dung khác (nếu có). Đồng thời tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế, dự toán của toàn bộ công trình trình phê duyêt thiết kế, dự toán.
2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán:
a) Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trường hợp thiết kế ba bước;
b) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trường hợp thiết kế hai bước.
Điều 27. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán đối với dự án sử dụng vốn khác
1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 80 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định dự án thiết kế kỹ thuật trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I; công trình cấp II đối với công trình công cộng, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng; công trình do Thủ tướng Chính phủ giao.
b) Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuât trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình công cộng, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng, trừ các công trình quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định phần thiết kế công nghệ, dự toán (nếu có) và các nội dung khác của thiết kế đối với các công trình quy định tại Điểm a, Điểm b khoản này; thẩm định thiết kế  kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đối với các công trình xây dựng không quy định tại các Điểm a, Điểm b Khoản này. Đồng thời tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế, dự toán của toàn bộ công trình trình phê duyêt thiết kế, dự toán.
2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán:
Người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình.
Điều 28. Nội dung thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Nội dung thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại Điều 83 Luật Xây dựng. Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định này và Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
2. Nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công công trình xây dựng:
a) Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật so với thiết kế cơ sở; thiết kế bản vẽ thi công so với thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước, so với thiết kế cơ sở trong trường hợp thiết kế hai bước hoặc so với nhiệm vụ thiết kế trong trường hợp thiết kế một bước;
b) Sự tuân thủ các tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình;
c) Mức độ đảm bảo an toàn chịu lực của giải pháp kết cấu và yêu cầu về an toàn khác, gồm: Sự phù hợp của giải pháp thiết kế nền - móng với đặc điểm địa chất công trình, kết cấu công trình và an toàn đối với công trình liền kề (nếu có); sự phù hợp của việc lựa chọn giải pháp kết cấu công trình với kết quả khảo sát xây dựng, phương án kiến trúc, công nghệ thi công xây dựng và công năng của công trình;
d) Sự hợp lý của việc lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ đối với thiết kế công trình có yêu cầu về công nghệ (nếu có);
đ) Sự tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ;
e) Sự phù hợp của các giải pháp thiết kế xây dựng công trình.
3. Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình:
a) Kiểm tra sự phù hợp của khối lượng xây dựng chủ yếu, chủng loại và số lượng thiết bị trong dự toán so với khối lượng, chủng loại và số lượng tính toán từ thiết kế xây dựng, công nghệ;
b) Kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng, vận dụng định mức dự toán, đơn giá xây dựng của công trình và quy định khác có liên quan trong việc xác định các khoản mục chi phí của dự toán xây dựng công trình;
c) Xác định giá trị dự toán xây dựng công trình sau thẩm định và kiến nghị giá trị dự toán xây dựng để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đánh giá mức độ tăng, giảm của các khoản mục chi phí, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với giá trị dự toán xây dựng công trình trước thẩm định.
4. Kết quả thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được lập theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng.
Điều 29. Nội dung phê duyệt thiết kế
1. Các thông tin chung về công trình: Tên công trình, hạng mục công trình (nêu rõ loại và cấp công trình); chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình; địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất;
2. Quy mô, công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu của công trình;
3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn chủ yếu được áp dụng;
4. Các giải pháp thiết kế chính của hạng mục công trình và toàn bộ công trình;
5. Dự toán xây dựng công trình.
6. Những yêu cầu phải hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ thiết kế và các nội dung khác (nếu có);
Điều 30. Hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng
1. Chủ đầu tư gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan chuyên môn về xây dựng để thẩm định, gồm:
a) Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan.
b) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình nhà ở riêng lẻ.
c) Bản sao hồ sơ về điều kiện năng lực của các chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có).
d) Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư về sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với quy định hợp đồng.
đ) Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.
Điều 31. Quy trình thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình
1. Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo các nội dung quy định tại Điều 28 Nghị định này.
2. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử về năng lực hoạt động xây dựng để thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng. Chi phí thẩm tra, phí thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.
3. Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ định tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng theo quy định tại Khoản 4 Điều 82 Luật Xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo bằng văn bản tới chủ đầu tư để thực hiện việc hợp đồng thẩm tra. Chủ đầu tư gửi báo cáo kết quả thẩm tra tới cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại các Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Nghị định này để làm cơ sở cho việc thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng.
 4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường; phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.
 5. Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thẩm định là cơ quan có trách nhiệm thực hiện thẩm định đối với công trình chính của dự án đầu tư xây dựng công trình. Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định.
6. Đối với các công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp và công trình tạm việc thẩm định, phê duyệt thiết kế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.
7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.
8. Thời gian thẩm định thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
a) Không quá 40 ngày đối với công trình cấp I trở lên;
b) Không quá 20 ngày đối với công trình thiết kế một bước và nhà ở riêng lẻ
c) Không quá 30 ngày đối với các công trình còn lại.
9. Thời gian thẩm tra thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng của tổ chức tư vấn phải được quy định cụ thể trong hợp đồng tư vấn thẩm tra nhưng không quá 30 ngày đối với công trình cấp I trở lên, không quá 15 ngày đối với công trình thiết kế một bước và nhà ở riêng lẻ và không quá 20 ngày đối với các công trình còn lại tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 32. Phí thẩm định và chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Phí thẩm định, chi phí thẩm tra:
a) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành mức phí thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình;
b) Bộ Xây dựng quy định chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình;
c) Chủ đầu tư nộp phí thẩm định cho cơ quan chuyên môn về xây dựng khi nhận kết quả thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

2. Phí thẩm định và chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán được tính trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình. Trường hợp thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng đã được thẩm định nhưng không đủ điều kiện phê duyệt thì phí thẩm định và chi phí thẩm tra được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trích từ kinh phí sự nghiệp của cơ quan, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng công trình hoặc được thanh toán từ vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư hàng năm. Việc quản lý, sử dụng phí thẩm định, chi phí thẩm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Share on Google Plus

About Xinh Blog

Đây là 1 website thiết kế kiến trúc nhà ở tổng hợp từ nhiều nguồn, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét