Xem toàn bộ : LUẬT XÂY DỰNG
Điều 69. Yêu cầu đối với giải phóng mặt bằng xây dựng công trình
Việc giải phóng mặt
bằng xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Việc giải phóng
mặt bằng xây dựng phải được lập thành phương án. Phương án giải phóng mặt bằng
xây dựng được thể hiện trong dự án đầu tư xây dựng công trình và được
phê duyệt đồng thời với phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;
2. Đối với dự án có
nhu cầu tái định cư thì phải lập phương án hoặc dự án tái định cư và phải thực
hiện trước khi giải phóng mặt bằng xây dựng;
3. Phạm vi giải
phóng mặt bằng xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây
dựng và dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt;
4. Thời hạn giải
phóng mặt bằng xây dựng phải đáp ứng theo yêu cầu tiến độ thực hiện dự án đã
được phê duyệt hoặc quyết định của người có thẩm quyền.
Điều 70. Nguyên tắc đền bù tài sản để giải phóng mặt bằng xây dựng
công trình
1. Việc đền bù tài
sản để giải phóng mặt bằng xây dựng phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với nhà ở của tổ chức,
cá nhân phải giải quyết chỗ ở mới ổn định, có điều kiện chỗ ở bằng hoặc tốt hơn
chỗ ở cũ, hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người phải di chuyển, trừ
trường hợp có thoả thuận khác giữa các bên liên quan.
2. Việc đền bù tài
sản để giải phóng mặt bằng xây dựng được thực hiện thông qua một hoặc kết hợp
các hình thức bằng tiền, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và phải bảo đảm
công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
3. Trong trường hợp
đền bù tài sản để giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật
trong đô thị thì phương án giải phóng mặt bằng phải bảo đảm vừa xây dựng được
công trình mới, vừa chỉnh trang được các công trình mặt phố theo quy hoạch chi
tiết xây dựng được duyệt; bảo đảm Nhà nước điều tiết được giá trị chênh lệch về
đất sau khi giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng công trình.
4. Không đền bù
trong các trường hợp sau đây:
a) Đất lấn chiếm;
b) Công trình xây
dựng trái phép, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu và tài sản khác xuất hiện hoặc
phát sinh trong phạm vi mặt bằng quy hoạch xây dựng sau thời điểm công bố quy
hoạch xây dựng;
c) Các trường hợp
khác theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 71. Tổ chức giải phóng mặt bằng xây dựng công
trình
1. Khi tổ chức giải
phóng mặt bằng xây dựng phải thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng xây
dựng.
2. Trường hợp giải
phóng mặt bằng xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt mà chưa có dự án
đầu tư xây dựng công trình thì việc đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng được
thực hiện như sau:
a) Uỷ ban nhân dân
cấp có thẩm quyền chủ trì tổ chức giải phóng mặt bằng thông qua Hội đồng đền bù
giải phóng mặt bằng xây dựng do mình thành lập, hoặc giao cho doanh nghiệp
chuyên về giải phóng mặt bằng đảm nhận;
b) Kinh phí để giải
phóng mặt bằng lấy từ ngân sách hoặc huy động và được thu hồi lại khi giao đất,
cho thuê đất cho chủ đầu tư xây dựng công trình có dự án trên mặt bằng đã được
giải phóng;
c) Thời gian giải
phóng mặt bằng xây dựng được thực hiện theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương và quyết định của người có thẩm quyền.
3. Trường hợp giải
phóng mặt bằng xây dựng theo dự án đầu tư xây dựng công trình thì việc đền bù
giải phóng mặt bằng xây dựng được thực hiện như sau:
a) Đối với dự án đầu
tư có mục đích kinh doanh thì Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng do
chủ đầu tư xây dựng công trình chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm
quyền tổ chức giải phóng mặt bằng; đối với dự án đầu tư xây dựng công trình
không có mục đích kinh doanh, phục vụ cho cộng đồng thì Hội đồng đền bù giải
phóng mặt bằng xây dựng do Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chủ trì phối hợp với
chủ đầu tư xây dựng công trình tổ chức giải phóng mặt bằng;
b) Kinh phí giải
phóng mặt bằng được lấy trực tiếp từ dự án đầu tư xây dựng công trình;
c) Thời gian giải
phóng mặt bằng xây dựng phải đáp ứng tiến độ thực hiện của dự án đầu tư xây
dựng công trình đã được phê duyệt.
4. Chính phủ quy
định nguyên tắc, phương pháp và khung giá đền bù tài sản khi giải phóng mặt
bằng xây dựng làm cơ sở cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định giá đền bù của
địa phương mình.
5. Tổ chức, cá nhân
có tài sản trong phạm vi mặt bằng xây dựng đã được giải quyết đền bù theo đúng
quy định mà không thực hiện thì bị cưỡng chế và chịu hoàn toàn chi phí cho việc
cưỡng chế.
6. Người nào cố ý
làm sai quy định về đền bù tài sản khi giải phóng mặt bằng xây dựng để vụ lợi
hoặc gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì tuỳ theo mức độ
vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt
hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét