Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng : CHƯƠNG V ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG Mục 1 ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CỦA CÁ NHÂN



Điều 46. Chứng chỉ hành nghề
  1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại Khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng;
2. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 6 tháng thì được công nhận hành nghề. Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Bộ Xây dựng.
3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, khi hết thời hạn phải làm thủ tục cấp lại.
4. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý mẫu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên toàn quốc.
5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng I; chứng chỉ hành nghề cho cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
b) Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III.
Điều 47. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Có đạo đức nghề nghiệp, có hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề và nộp lệ phí theo quy định.
3. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
a) Hạng I: có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 năm trở lên;
b) Hạng II: có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 5 năm trở lên;
c) Hạng III: có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 5 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
4. Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
5. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về công tác sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên toàn quốc.
Điều 48. Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng
1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng phù hợp với loại hình khảo sát được quy định tại Điều 73 Luật Xây dựng như sau:
a) Hạng I: đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng chuyên ngành ít nhất 1 dự án nhóm A hoặc 5 dự án nhóm B hoặc ít nhất 2 công trình cấp I hoặc 3 công trình cấp II cùng loại.
b) Hạng II: đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng chuyên ngành ít nhất 2 dự án nhóm B hoặc 5 dự án nhóm C hoặc ít nhất 2 công trình cấp II hoặc 3 công trình cấp III cùng loại.
c) Hạng III: đã tham gia khảo sát xây dựng chuyên ngành ít nhất 3 dự án nhóm C hoặc ít nhất 2 công trình cấp III hoặc 3 công trình cấp IV cùng loại.
2. Phạm vi hoạt động khảo sát xây dựng:
a) Hạng I: được làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng tất cả các nhóm dự án, các cấp công trình cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
b) Hạng II: được làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
c) Hạng III: được làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng dự án nhóm C, công trình cấp III trở xuống cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Điều 49. Chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng
 1. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch và các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của đồ án quy hoạch và đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng sau:
a) Hạng I: đã làm chủ trì thiết kế, chủ trì thẩm định thiết kế bộ môn chuyên ngành của ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, 02 đồ án quy hoạch vùng tỉnh hoặc 03 đồ án quy hoạch vùng liên huyện hoặc 05 đồ án quy hoạch vùng huyện, 05 đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù;
  b) Hạng II: đã làm chủ trì thiết kế hoặc chủ trì thẩm định thiết kế bộ môn chuyên ngành của ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 02 đồ án quy hoạch vùng liên huyện hoặc 03 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện hoặc 03 đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù;
c) Hạng III: đã tham gia thiết kế hoặc thẩm định thiết kế bộ môn chuyên ngành của ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện hoặc 03 đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù hoặc 05 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì bộ môn chuyên ngành của các đồ án quy hoạch xây dựng;
b) Hạng II: được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì bộ môn chuyên ngành đồ án quy hoạch vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù có quy mô dân số tương đương với đô thị loại II trở xuống, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn;
c) Hạng III: được làm chủ nhiệm đồ án, chủ trì bộ môn chuyên ngành đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn.
Điều 50. Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng
1. Các lĩnh vực hành nghề thiết kế xây dựng công trình bao gồm:
a) Thiết kế kiến trúc công trình;
b) Thiết kế nội - ngoại thất công trình; thiết kế cảnh quan;
c) Thiết kế kết cấu công trình;
d) Thiết kế điện - cơ điện công trình;
đ) Thiết kế cấp - thoát nước;
e) Thiết kế thông gió - cấp thoát nhiệt;
g) Thiết kế mạng thông tin - liên lạc trong công trình xây dựng;
h) Thiết kế phòng cháy - chữa cháy;
2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình:
a) Hạng I: đã làm chủ trì thiết kế, thẩm định, thẩm tra thiết kế phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 2 công trình cấp II và đã tham gia thiết kế, thẩm định, thẩm tra thiết kế ít nhất 1 công trình cấp I cùng loại với công trình ghi trong chứng chỉ hành nghề;
b) Hạng II: đã làm chủ trì thiết kế, thẩm định, thẩm tra thiết kế phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 5 công trình cấp III và đã tham gia thiết kế, thẩm định, thẩm tra thiết kế ít nhất 1 công trình cấp II cùng loại với công trình ghi trong chứng chỉ hành nghề; 
c) Hạng III: đã tham gia thiết kế, thẩm định, thẩm tra thiết kế phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 3 công trình cấp III hoặc 5 công trình cấp IV cùng loại với công trình ghi trong chứng chỉ hành nghề.
3. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: được làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, chủ trì thẩm tra thiết kế, chủ trì kiểm định xây dựng các cấp công trình cùng loại đối với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Được làm chủ nhiệm lập tất cả các nhóm dự án cùng loại dự án được cấp chứng chỉ hành nghề;
b) Hạng II: được làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, chủ trì thẩm tra thiết kế, chủ trì kiểm định xây dựng công trình cấp II trở xuống cùng loại đối với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Được làm chủ nhiệm lập dự án nhóm B, nhóm C cùng loại dự án được cấp chứng chỉ hành nghề;
c) Hạng III: được làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, chủ trì thẩm tra thiết kế, chủ trì kiểm định xây dựng công trình cấp III, cấp IV cùng loại đối với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Được làm chủ nhiệm lập dự án nhóm C cùng loại dự án được cấp chứng chỉ hành nghề.
Điều 51. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng
1. Các loại hình giám sát thi công xây dựng:
a) Giám sát công tác xây dựng và hoàn thiện;
b) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình;
c) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công nghệ.
2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng:
a) Hạng I: đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 1 công trình cấp I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại;
b) Hạng II : đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 1 công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III cùng loại;
c) Hạng III : đã trực tiếp tham gia giám sát thi công hoặc tham gia thiết kế, thẩm định thiết kế ít nhất 1 công trình cấp III hoặc 2 công trình cấp IV cùng loại.
3. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: được chủ trì giám sát thi công xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
b) Hạng II: được chủ trì giám sát thi công xây dựng công trình cấp II trở xuống cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
c) Hạng III: được chủ trì giám sát thi công xây dựng công trình cấp III, cấp IV cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Điều 52. Chứng chỉ hành nghề an toàn lao động trong xây dựng
1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề an toàn lao động trong xây dựng đối với từng hạng như sau:
a) Hạng I: đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng công trình hoặc làm cán bộ chuyên trách về an toàn lao động trên công trường xây dựng ít nhất 1 công trình cấp I hoặc 2 công trình cấp II;
b) Hạng II: đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng công trình hoặc làm cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về an toàn lao động trên công trường xây dựng ít nhất 1 công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III;
c) Hạng III: đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng công trình hoặc làm cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về an toàn lao động trên công trường xây dựng ít nhất 1 công trình cấp III hoặc 2 công trình cấp IV.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: được phụ trách công tác an toàn lao động hoặc làm cán bộ chuyên trách về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình tất cả các cấp;
b) Hạng II: được phụ trách công tác an toàn lao động hoặc làm cán bộ chuyên trách về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình cấp I trở xuống;
c) Hạng III: được phụ trách công tác an toàn lao động hoặc làm cán bộ chuyên trách an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình cấp II, cấp III.
Điều 53. Chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng
1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng:
a) Hạng I: đã tham gia quản lý chi phí đầu tư xây dựng hoặc chủ trì lập tổng mức đầu tư của ít nhất 1 dự án nhóm A hoặc 3 dự án nhóm B hoặc đã lập dự toán xây dựng của ít nhất 2 công trình cấp I hoặc 5 công trình cấp II; 
b) Hạng II: đã tham gia quản lý chi phí đầu tư xây dựng hoặc chủ trì lập tổng mức đầu tư của ít nhất 1 dự án nhóm B hoặc 3 dự án nhóm C hoặc đã lập dự toán xây dựng của ít nhất 1 công trình cấp I hoặc 3 công trình cấp II hoặc 10 công trình cấp III;
c) Hạng III: đã tham gia lập tổng mức đầu tư của ít nhất 1 dự án nhóm C hoặc 2 Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc đã lập dự toán xây dựng của ít nhất 2 công trình cấp III hoặc 10 công trình cấp IV.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: Được chủ trì thực hiện tư vấn định giá xây dựng không phân biệt nhóm dự án và cấp công trình xây dựng;
b) Hạng II: Được chủ trì thực hiện tư vấn định giá xây dựng dự án từ nhóm B trở xuống và công trình từ cấp I trở xuống;
c) Hạng III: Được chủ trì thực hiện tư vấn định giá xây dựng dự án nhóm C, dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và công trình từ cấp II trở xuống.
Điều 54. Điều kiện đối với chỉ huy trưởng công trường
1. Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
a) Hạng I: có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng I; đã làm chỉ huy trưởng công trường thi công xây dựng ít nhất 1 công trình cấp I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại;
b) Hạng II: có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng II; đã làm chỉ huy trưởng công trường thi công xây dựng ít nhất 1 công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III cùng loại;
c) Hạng III: có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng III; đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 1 công trình cấp III hoặc 2 công trình cấp IV cùng loại.
2. Phạm vi hoạt động :
a) Hạng I: được làm chỉ huy trưởng công trường mọi cấp công trình cùng loại;
b) Hạng II: được làm chỉ huy trưởng công trường trong đó có công trình cấp II cùng loại trở xuống;
c) Hạng III: được làm chỉ huy trưởng công trường trong đó có công trình cấp III, cấp IV cùng loại.
Điều 55. Điều kiện năng lực đối với giám đốc ban quản lý dự án
1. Giám đốc ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án, có thời gian làm công tác thiết kế hoặc thi công xây dựng tối thiểu 7 năm; hoặc đã là Giám đốc tư vấn quản lý dự án của 1 dự án nhóm A hoặc 2 dự án nhóm B cùng loại; hoặc đã là chỉ huy trư­­ởng công trường hạng I.
2. Giám đốc ban quản lý dự án một dự án theo quy định tại Điều 64 Luật Xây dựng phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp với tính chất, yêu cầu của dự án, có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án, có thời gian tối thiểu 7 năm làm công tác quản lý trong lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến dự án.
Điều 56. Điều kiện năng lực đối với giám đốc tư vấn quản lý dự án
1. Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án và đáp ứng các điều kiện tương ứng với mỗi hạng dưới đây:
a) Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng I:
Có chứng chỉ hành nghề thiết kế hạng I hoặc chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I hoặc đã là Giám đốc tư vấn quản lý dự án của 1 dự án nhóm A hoặc 2 dự án nhóm B cùng loại hoặc đã là chỉ huy trư­­ởng công trường hạng I;
b) Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng II:
Có chứng chỉ hành nghề thiết kế hạng II hoặc chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc đã là Giám đốc tư vấn quản lý dự án của 1 dự án nhóm B hoặc 2 dự án nhóm C cùng loại hoặc đã là chỉ huy trư­­ởng công trường hạng II;
c) Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng III:
Có chứng chỉ hành nghề thiết kế hoặc chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III hoặc đã là Giám đốc tư vấn quản lý dự án của 1 dự án nhóm C cùng loại hoặc đã là chỉ huy trư­­ởng công trường hạng III.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng I: được làm giám đốc tư vấn quản lý dự án tất cả các nhóm dự án cùng loại;
b) Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng II: được làm giám đốc tư vấn quản lý dự án nhóm B, nhóm C cùng loại;
c) Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng III: được làm giám đốc tư vấn quản lý dự án nhóm C cùng loại.
Điều 57. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm các tài liệu sau:
1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng.
2. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ đào tạo do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
3. Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân.
4. Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn về hoạt động xây dựng liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng được cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hoặc Hội nghề nghiệp (nếu là hội viên của Hội nghề nghiệp) xác nhận. Người kê khai và người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung kê khai.
5. Bản sao hợp đồng hoạt động xây dựng của chủ đầu tư với tổ chức mà cá nhân đã tham gia thực hiện các công việc liên quan đến nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Điều 58. Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Nội dung sát hạch gồm 2 phần liên quan đến nội dung hành nghề:
a) Phần về kiến thức chuyên môn;
b) Phần về kiến thức pháp luật.
2. Hình thức sát hạch:
a) Kiểm tra về kiến thức chuyên môn thông qua câu hỏi tự luận và xử lý các tình huống theo chuyên môn nghiệp vụ;
b) Kiểm tra về kiến thức pháp luật liên quan thông qua câu hỏi trắc nghiệm.
3. Tổ chức sát hạch:
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thành lập Hội đồng để thực hiện công tác sát hạch;
b) Thành phần Hội đồng sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề gồm: đại diện cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề là chủ tịch hội đồng và là thường trực hội đồng; đại diện của hội nghề nghiệp có liên quan; chuyên gia có trình độ chuyên môn cao thuộc lĩnh vực sát hạch do chủ tịch hội đồng mời.

4. Bộ Xây dựng quy định chi tiết về Hội đồng sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề; hình thức, thời gian, nội dung sát hạch cấp và cấp lại chứng chỉ hành nghề.
Share on Google Plus

About Xinh Blog

Đây là 1 website thiết kế kiến trúc nhà ở tổng hợp từ nhiều nguồn, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét