Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng : Mục 2 TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG




Điều 17. Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Người quyết định đầu tư quyết định hình thức tổ chức quản lý dự án khi quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng.
2. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của Nghị định này nếu Hiệp định hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ cho vay vốn không có quy định khác.
3. Đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO, hợp đồng đối tác công – tư, doanh nghiệp dự án được tự quản lý dự án khi doanh nghiệp dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này.
Điều 18. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án  khu vực để thực hiện chức năng chủ đầu tư và nhiệm vụ quản lý đồng thời nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.
2. Hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực được áp dụng đối với các trường hợp:
a) Quản lý các dự án được thực hiện trong cùng một khu vực hành chính hoặc trên cùng một địa bàn;
b) Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành;
c) Quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay của cùng một nhà tài trợ có yêu cầu phải quản lý thống nhất về nguồn vốn sử dụng.
3. Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực là tổ chức sự nghiệp kinh tế có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về các hoạt động của mình; thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư theo phân cấp hoặc ủy quyền của người quyết định thành lập để quản lý thực hiện dự án; quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành trong trường hợp được giao.
4. Căn cứ số lượng dự án cần quản lý, yêu cầu, nhiệm vụ quản lý và điều kiện thực hiện cụ thể, người quyết định thành lập quyết định cơ cấu tổ chức Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng hoặc theo từng dự án.
5. Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực được thực hiện tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao, có đủ điều kiện về năng lực thực hiện và được người quyết định thành lập chấp thuận.
Điều 19. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án
1. Chủ đầu tư quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án để quản lý thực hiện dự án quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; dự án có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước.
2. Ban quản lý một dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này. Ban quản lý dự án được phép thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện một số công việc thuộc nhiệm vụ quản lý dự án của mình.
3. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án là tổ chức sự nghiệp kinh tế trực thuộc chủ đầu tư, có tư cách pháp nhân độc lập, thực hiện một số nhiệm vụ quản lý dự án được chủ đầu tư giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về hoạt động quản lý dự án của mình.
4. Chủ đầu tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của Ban quản lý dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Xây dựng.
5. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý dự án, kể cả những công việc đã được phân cấp hoặc ủy quyền cho ban quản lý dự án thực hiện.
Điều 20. Thuê tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng để thực hiện quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, dự án sử dụng vốn khác hoặc dự án có tính chất đặc thù, riêng lẻ mà chủ đầu tư không có điều kiện để trực tiếp quản lý thực hiện dự án.
2. Tổ chức tư vấn quản lý dự án đảm nhận thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung quản lý dự án theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.
3. Tổ chức tư vấn quản lý dự án được lựa chọn phải thành lập Văn phòng quản lý dự án tại khu vực thực hiện dự án và phải có văn bản thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện và bộ máy trực tiếp quản lý dự án gửi chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan.
4. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng; xử lý các vấn đề có liên quan giữa tổ chức tư vấn quản lý dự án với các nhà thầu và chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện dự án.
Điều 21. Chủ đầu tư trực tiếp thực hiện quản lý dự án
1. Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp thực hiện quản lý dự án đối với dự án cải tạo, sửa chữa công trình xây dựng quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng, dự án có sự tham gia của cộng đồng.
2. Cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để giám sát thi công và tham gia nghiệm thu hạng mục, công trình hoàn thành. Chi phí thực hiện dự án phải được hạch toán riêng theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Quản lý dự án của tổng thầu xây dựng
1. Tổng thầu xây dựng thực hiện hợp đồng EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay có trách nhiệm tham gia quản lý thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án theo thỏa thuận hợp đồng với chủ đầu tư.
2. Nội dung tham gia quản lý thực hiện dự án của tổng thầu xây dựng gồm:
a) Thành lập Ban điều hành để thực hiện quản lý theo phạm vi công việc của hợp đồng;
b) Quản lý tổng mặt bằng xây dựng công trình;
c) Quản lý công tác thiết kế xây dựng, gia công chế tạo và cung cấp vật tư, thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo vận hành;
d) Quản lý hoạt động thi công xây dựng, các kết nối với công việc của các nhà thầu phụ;
đ) Điều phối chung về tiến độ thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động, bảo về môi trường tại công trường xây dựng;
e) Quản lý các hoạt động xây dựng khác theo yêu cầu của chủ đầu tư.

3. Tổng thầu xây dựng được hưởng một phần chi phí quản lý dự án theo thỏa thuận với chủ đầu tư. 
Share on Google Plus

About Xinh Blog

Đây là 1 website thiết kế kiến trúc nhà ở tổng hợp từ nhiều nguồn, chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung bài đăng này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét